Sở dĩ nói những trang viết, ghi chép, hình ảnh, chi tiết của Martin Rama rất riêng bởi tất cả đều xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, từ thực tế sống và sẵn sàng đi sâu vào từng ngóc ngách, từng ngõ nhỏ, từng con đường, từng nhịp sống... thấm đẫm một tinh thần của Hà Nội. Dù Thủ đô hôm nay đã khác, đã đổi thay nhưng nếu sống đủ lâu và đủ tình yêu để gạt đi những vụ vặt, những xô bồ, độc giả khi đọc sách của Martin Rama như sực tỉnh bởi ồ, chuẩn quá, chính xác quá. Nhưng bởi sự gấp gáp của cuộc sống, của đua chen vội vã, chính cư dân của Hà Nội lại không đủ sự kiên nhẫn để nhận ra hay ghi nhớ.

Cuốn sách đầu tiên "Hà Nội một chốn rong chơi" (Xuất bản năm 2014) mang đến độc giả những dấu ấn đặc biệt trong kiến trúc pha trộn hình thành qua hành trình dài biến thiên của lịch sử từ "Công trình công cộng"; "Kiểu Pháp"; "Kiểu Xô Viết"; "Những khung cửa"; "Vườn hoa và công viên"...thêm chút lãng đãng về món Phở trứ danh của thành phố. Tất cả khiến ai đó vô tình mở cuốn sách sẽ lầm tưởng tác giả là một nghệ sĩ, một kiến trúc sư hay một nhà văn hóa uyên thâm.

9 năm sau, 2023, "Vì một tình yêu Hà Nội" ra mắt độc giả vào những ngày cận thu, mùa Hà Nội đẹp nhất trong năm. Phóng viên VOV2 có dịp trò chuyện cùng tác giả Martin Rama:

Phóng viên: Thưa ông, năm 2014, cuốn sách “Hà Nội một chốn rong chơi” viết về Hà Nội đầu tiên của ông ra mắt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Như ông chia sẻ, năm 1998 lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, 4 năm sau ông trở thành cư dân Thủ đô. Và năm 2014, cuốn sách đầu tiên đến tay độc giả. Điều này chứng tỏ tình cảm đặc biệt dành cho Hà Nội. Và lần này, sau 9 năm, một cuốn sách khác đã ra đời. Ông có thể chia sẻ đôi điều về ấn phẩm này?

Ông Martin Rama: Tôi bắt đầu viết "Hà Nội một chốn rong chơi" vào khoảng năm 2009, khi thời gian tôi sống ở thành phố này cùng gia đình ở đây sắp kết thúc. Đến lúc đó, tôi nghĩ mình đã hiểu rõ điều gì khiến Hà Nội trở nên đặc biệt và muốn chia sẻ với mọi người tất cả điều đó một cách hấp dẫn, bằng cả ngôn từ và hình ảnh. Tôi chắc chắn rằng người Hà Nội yêu thành phố của họ. Nhưng tôi có cảm giác rằng cư dân ở đây sẽ khó có thể nói rõ điều gì khiến nó trở nên độc đáo đến vậy. Tôi chỉ hy vọng rằng chia sẻ quan điểm của mình có thể giúp giữ gìn bản sắc của Hà Nội.

Khi "Hà Nội một chốn rong chơi" được xuất bản, tôi không có ý định viết cuốn thứ hai. Nhưng thành công của cuốn sách khiến tôi nghĩ rằng việc vận động chính sách về các vấn đề phát triển đô thị có thể tạo nên sự khác biệt cho công tác bảo tồn. Trong những năm qua, một số tòa nhà mang nhiều nét đặc sắc trong kiến trúc bị đe dọa và đã có những phần bị phá hủy một cách đáng tiếc.

Với sự giúp đỡ của những người bạn nhà báo (trong đó có bạn!), tôi bắt đầu viết bài trên các phương tiện truyền thông. Và trong nhiều trường hợp, chính quyền đã phản ứng rất tích cực, điều đó làm tôi ấm lòng. Theo thời gian, hơn 40 bài báo và bài phỏng vấn của tôi đã được truyền thông, báo chí Việt Nam đăng tải.

Tổng hợp lại, những bài viết này đã cung cấp một cái nhìn mạch lạc về các vấn đề như: những đặc điểm nào khiến Hà Nội trở nên đặc biệt? Hoặc chúng ta nên nghĩ thế nào về di sản? Hay có thể làm gì để bảo tồn nó? Đây là cách ý tưởng về cuốn sách thứ hai ra đời. Tất nhiên, phải mất thời gian để sắp xếp bản thảo, làm cho ngôn ngữ của nó dễ tiếp cận hơn và để có được những hình ảnh minh họa phù hợp để truyền đạt ý tưởng trong đó. Một khoảng thời gian dài đã trôi qua giữa hai cuốn sách "Hà Nội một chốn rong chơi" và "Vì tình yêu Hà Nội".

Phóng viên: Hà Nội thay đổi thế nào sau 15 năm ông đặt chân đến. Và có điều gì khiến ông nuối tiếc về sự mất mát và mong muốn gìn giữ?

Ông Martin Rama: Hà Nội đã phát triển rất nhiều. Bây giờ đã thành một thành phố lớn hơn và giàu có hơn nhiều so với khi tôi đến thăm lần đầu tiên vào năm 1998. Xe đạp được thay thế bằng xe máy và sau đó là ô tô. Các tòa nhà cao tầng và trung tâm mua sắm mọc lên. Có một tuyến đường sắt trên cao đang hoạt động và một tuyến tàu điện ngầm đang được xây dựng. Dọc đường Hà Nội đã trở nên ồn ào và đông đúc hơn và dường như khiến ta dễ mệt mỏi hơn. Nhưng đồng thời, mức thu nhập, việc cung cấp hàng hóa và chất lượng dịch vụ đã được cải thiện rất nhiều, điều này rất tốt.

Điều quan trọng là thành phố đã không mất đi nét đặc trưng. Mỗi lần trở lại Hà Nội, khi di chuyển từ sân bay Nội Bài về căn hộ Khu tập thể của mình ở trung tâm thành phố, tôi cảm thấy rất yên tâm. Đi qua bờ hồ Tây rợp bóng cây đến quảng trường Ba Đình, rồi đi qua đường Phan Đình Phùng hay Điện Biên Phủ vào khu phố cổ vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời. Điều đó khiến tôi hy vọng rằng Hà Nội sẽ có thể giữ được nét quyến rũ của mình khi Việt Nam phát triển.

Phóng viên: Một thành phố của di sản, sự pha trộn của kiến ​​trúc lịch sử chắc chắn sẽ luôn phải vật lộn với quá trình đô thị hóa. Trong cuốn sách này, ông có đề xuất gì chia sẻ với giới kiến ​​trúc và các nhà quản lý Thủ đô Hà Nội?

Ông Martin Rama: Không có mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Các nhà kinh tế sẽ đo lường sự thành công của một thành phố bằng giá trị của đất đô thị. Các thành phố lớn có cả di sản tuyệt vời và giá đất rất cao. Và nếu di sản của họ bị phá hủy, nếu họ trở nên nhạt nhẽo, họ sẽ thu hút ít du khách hơn và ít tài năng hơn, và đất đai của họ sẽ ít giá trị hơn.

Martin Rama sinh tại Uruguay, là một chuyên gia kinh tế và nhà hoạt động nghệ thuật nghiệp dư.

Từ năm 2002 đến 2010, ông sống và làm việc tại Việt Nam với vai trò chuyên gia Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới. Trong nhiều năm, ông là tác giả của Báo cáo Phát triển Việt Nam.

Ông là tác giả cuốn sách Những quyết sách khó khăn dựa trên nhiều cuộc trò chuyện với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Năm 2014, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên “Hà Nội một chốn rong chơi. Cuốn sách này đã giành được giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2014.

Năm 2023, Martin Rama xuất bản cuốn sách thứ 2 nhan đề “Vì tình yêu Hà Nội” tiếp tục mạch chuyện về Thủ đô nơi ông gắn bó và đem lòng yêu mến.

Vấn đề thực sự không phải là việc bảo tồn di sản xung đột với phát triển đô thị, mà là các nhà đầu tư cá nhân được hưởng lợi từ việc phá hủy di sản. Thật vậy, một khoản lợi nhuận khổng lồ có thể được thực hiện bằng cách phá bỏ một biệt thự Pháp và thay thế nó bằng một tòa nhà cao tầng nhạt nhẽo. Nhưng kết quả là các tòa nhà xung quanh sẽ có giá trị thấp hơn và tổng của tất cả các khoản lỗ sau đó thường vượt quá khoản lợi nhuận khổng lồ mà nhà đầu tư kiếm được. Thách thức chính đối với các nhà chức trách là làm thế nào để tránh những lựa chọn mang tính phá hoại cá nhân này, vì lợi ích của tất cả mọi người.

Cuốn sách của tôi chứa một số gợi ý về khía cạnh này. Một số quan tâm đến việc bảo vệ những mảng di sản cụ thể đang bị đe dọa, từ kiến ​​trúc của các tòa nhà Pháp đến không khí của các khu tập thể xã hội chủ nghĩa hay đời sống xã hội trên vỉa hè. Các đề xuất khác có phạm vi rộng hơn, vì chúng liên quan đến các chính sách đô thị về quy hoạch, sử dụng đất và tiêu chuẩn xây dựng. Và dựa trên các cơ chế tài chính có thể tận dụng để thu hút khu vực tư nhân tham gia bảo tồn di sản.


Phóng viên: Trong khoảng thời gian giữa hai cuốn sách, ông vẫn ở lại Hà Nội hay có những chuyến đi để có cái nhìn rõ ràng và chính xác hơn về “sự phát triển đô thị”?

Ông Martin Rama: Tôi rời Hà Nội vào năm 2010, nhưng kể từ đó tôi vẫn quay lại với Nàng (Chữ dùng của tác giả để chỉ Hà Nội) vài lần một năm kể từ đó. Và đến giờ tôi đã có "tổ ấm" của riêng mình ở Hà Nội, một căn hộ xinh xắn do tôi sửa sang lại trong một khu tập thể cũ nằm trên một con phố duyên dáng ở trung tâm thành phố. Sau khi nghỉ việc tại Ngân hàng Thế giới, giờ đây tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho nàng, điều mà tôi rất thích thú. Và tôi ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động liên quan đến phát triển đô thị ở Hà Nội, với các đối tác trong chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Vì vậy, tôi tiếp tục tìm hiểu về Nàng, và tôi gắn bó với nàng hơn bao giờ hết.

Phóng viên: Và những năm đại dịch có làm ông gián đoạn không, hay đó là khoảng thời gian tuyệt vời để ghi chép?

Ông Martin Rama: Những năm đại dịch là khoảng thời gian duy nhất tôi không về Hà Nội thường xuyên. Và đó là những năm tháng đau khổ. Thực ra, một trong những bài viết trong cuốn sách mới của tôi, nhan đề “Một năm xa cách”, nói về cảm giác đau đớn khi phải xa Nàng quá lâu. Tôi cảm thấy rất vui vì giai đoạn của Covid-19 cuối cùng cũng kết thúc, và tôi lại có thể trở lại với Nàng vài tháng một lần.


Phóng viên: Cuốn sách "Hà Nội một chốn rong chơi" đã được dịch và cuốn sách này cũng vậy. Đó có phải là những dịch giả không chỉ giỏi ngôn ngữ mà còn giỏi văn hóa, lịch sử, kiến ​​trúc, thưa ông?

Ông Martin Rama: Tôi cho là không cần thiết. Trong trường hợp của cuốn sách đầu tiên, người dịch là một bác sĩ y khoa và cuốn thứ hai là một nhà thơ. Mặc dù cả hai đều rất am hiểu về thành phố, lịch sử và văn hóa của Thủ đô. Nhưng không ai trong số họ có nền tảng về kiến ​​trúc, đô thị hay kinh tế. Tuy nhiên, cả hai đều hiểu rất rõ những thông điệp mà tôi muốn gửi gắm.

Trong "Hà Nội một chốn rong chơi", những thông điệp liên quan đến sự phong phú của di sản Hà Nội. Trong khi "Vì tình yêu Hà Nội" tập trung vào cách dung hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Và cả hai dịch giả đều nhận ra rằng nhiệm vụ của họ không phải là làm giàu ý tưởng của tôi bằng kiến ​​thức của riêng họ, mà là truyền đạt những ý tưởng đó theo cách có thể chạm đến trí óc và trái tim của độc giả. Dựa trên phản hồi tôi nhận được, cả hai dịch giả đều làm rất tốt về mặt này!

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông Martin Rama!