Phát biểu khai mạc triển lãm, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Đề cương về văn hóa Việt Nam là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời vạch ra những đường lối về mặt chiến lược cho việc xây dựng nền văn hóa mới trong giai đoạn 1945 - 1954. Để thực hiện triển lãm "Nghệ sĩ là chiến sĩ", 80 tác phẩm của 30 tác giả sáng tác từ năm 1945 đến năm 1954 được chọn lựa từ bộ sưu tập của Bảo tàng, trong đó có 22 tác giả thuộc các thế hệ hoạ sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm được thể hiện không hề cầu kỳ: vẽ ký họa bằng chì, mực, màu nước, bột màu... trên nhiều loại giấy có trong thời điểm đó nhưng đều là những khoảnh khắc lịch sử, chân thực và giàu cảm xúc về cuộc kháng chiến, về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, anh dũng chiến đấu, thi đua tăng gia sản xuất.

Theo bà Trần Thị Hương - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sở dĩ Bảo tàng lựa chọn trưng bày 80 tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn 1945 - 1954 vì đó là giai đoạn giới văn nghệ sỹ chuyển mình thay đổi về nhận thức tư tưởng. "Nếu như trước đó, các họa sĩ thường lấy đề tài mộng mơ, các thiếu nữ thành thị... để sáng tác thì đến giai đoạn này, từ việc tiếp xúc thực tiễn tham gia vào các đoàn quân Nam tiến, rồi Hội Văn hóa cứu quốc, hội Văn hóa kháng chiến cũng như Thanh niên cứu quốc, Dân công rồi bộ đội, du kích... chứng kiến thực tiễn của lao động, sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta, các họa sĩ vẽ bằng những cảm nhận của mình nên những tác phẩm này đã phản ánh đúng về cuộc sống, cuộc kháng chiến của quân và dân ta giai đoạn đó. Điều này cho thấy sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của giới văn nghệ sĩ khi họ từ bỏ cuộc sống bình an, tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam mới", bà Trần Thị Hương nhấn mạnh.

Đặc biệt, tại triển lãm còn có bộ tranh địch vận của hoạ sĩ Lương Xuân Nhị, một hình thức tuyên truyền góp phần làm dao động tâm lý phía bên kia chiến tuyến. Về bộ tranh này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Có thể nói không chỉ riêng bộ tranh địch vận thời chống Pháp mà sau này đến cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, họa sĩ Xuân Nhị cũng là người duy nhất thực hiện tranh địch vận của chúng ta trên mọi mặt trận, mọi chiến trường. "Tiếng nói của tranh địch vận rất kín đáo nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ để truyền đi thông điệp hòa bình, chống chiến tranh. Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã từng bước tác động vào tâm lý người lính bên kia chiến tuyến bằng tiếng Pháp thông qua những tấm thiệp chúc mừng năm mới gửi cho họ. Đặc biệt, cách họa sĩ thể hiện rất nhân văn, nhẹ nhàng, ngôn từ xúc động, đầy tình cảm chứ không phải là vẽ địch thì xấu mà vẽ ta thì đẹp. Tôi cho rằng đây là giá trị cốt lõi đã được họa sĩ Lương Xuân Nhị cảm nhận và thể hiện để tạo nên sự thành công của tranh địch vận Việt Nam".

Là đại diện gia đình họa sĩ có tranh tại triển lãm lần này, họa sĩ Lê Trí Dũng, con trai họa sĩ Lê Quốc Lộc vô cùng xúc động khi nhìn thấy hai tác phẩm của cha mình: "Tuyên Quang tiêu thổ" và "Dân công kháng chiến". "Bức tranh cha tôi vẽ vào buổi sáng tại hiện trường là đống đổ nát khi Việt Nam thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Khi ấy với suy nghĩ quân Pháp nếu chiếm đóng được địa phương thì địch cũng không còn chỗ nào để mà ăn ở. Điều này thể hiện ý chí quyết tâm kháng chiến đến cùng của người Việt Nam. Nhưng khi thể hiện thành tranh sơn mài thì cha tôi đã biến đổi hoàn toàn tính chất của cái đống đổ nát ấy, tức là ông vẽ một mảng tường đen cháy và đằng sau nó là khói lửa. Lửa đỏ rực và tường nhà hiện lên cho thấy sự tương phản rõ nét, độ đậm nhạt rất lớn và nó biểu lộ tinh thần của bức tranh mạnh hơn" họa sĩ Lê Trí Dũng cho biết.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Triển lãm mở cửa từ 24/02 đến 05/03/2023 tại tầng 2 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 phố Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.