Chỉ đúng 3 tuần sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam độc lập, rạng sáng ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước “tiếng kêu sơn hà nguy biến”, dù gặp rất nhiều khó khăn và phải đương đầu với quân đội nhà nghề, khi trong tay chủ yếu là vũ khí thô sơ, lực lượng thì mỏng nhưng quân và dân Nam Bộ đã kiên quyết kháng chiến. Chính vì thế, trong lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Khẩu hiệu “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” càng thể hiện tinh thần quyết tâm kháng chiến chống quân xâm lược mặc dù chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập được bao lâu nhưng nhân dân Nam Bộ vẫn sẵn sàng “đi trước về sau”.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta đã được Đảng và Bác Hồ dự đoán sớm. “Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày mùng 2 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhấn mạnh, nhân dân ta giành chính quyền từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Điều đó để nói rằng nếu Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam là Pháp lại tiến hành chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo từ khi đọc Tuyên ngôn Độc lập để cho người dân chúng ta hiểu rõ là chúng ta đã nhìn thấy, đã dự đoán được âm mưu và hành động của thực dân Pháp” - PGS TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích.

Bởi thế, ngay sau khi quân Pháp nổ súng xâm lược, trong buổi sáng 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ triệu tập Hội nghị tại đường Cây Mai, quyết định phát động toàn dân kháng chiến, thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; đồng thời gửi điện xin chỉ thị Trung ương.

Bước vào kháng chiến, quân và dân Sài Gòn nói riêng, Nam Bộ nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, chưa có nhiều vũ khí, tài chính, lực lượng, chưa xây dựng được căn cứ địa, chiến khu... Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp bách là phải thống nhất tổ chức đảng, kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất, làm cơ sở để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và thực lực kháng chiến.

Ngày 15/10/1945, Hội nghị cán bộ đảng Nam Bộ nhất trí giải thể hai Xứ ủy (Tiền Phong và Giải phóng), thành lập Xứ ủy Nam Bộ thống nhất do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. Mười ngày sau, trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng được tổ chức tại Thiên Hộ (Mỹ Tho), bàn chủ trương củng cố, kiện toàn hơn nữa hệ thống tổ chức đảng trên toàn Nam Bộ, thống nhất lực lượng vũ trang. Hội nghị cử đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy thay đồng chí Tôn Đức Thắng. Sự thống nhất về tổ chức đảng - cơ quan lãnh đạo kháng chiến toàn Nam Bộ đã tạo cơ sở cho việc xây dựng, củng cố chính quyền và các tổ chức, đoàn thể cách mạng.

PGS.TS Nguyễn Đình Lê, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng dù biết trước có những gian nan nhưng ý chí của quân và dân Nam Bộ đã thể hiện vai trò then chốt. “Chính quyền còn non trẻ, kẻ thù phá cả bên trong bên ngoài, tài chính không có, vũ khí cũng không, quân đội thì mới thành lập. Nam Bộ lúc đó chính là đứng mũi chịu sào, tạo điều kiện cho cả nước, tạo điều kiện có thêm thời gian để Trung ương chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài”.

Trong bối cảnh vô vàn khó khăn như vậy, nhưng Nam Bộ không đơn độc, bởi chỉ sau đó 3 ngày, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khích lệ đồng bào Nam Bộ. Qua đó cũng thể hiện quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, kiên quyết giữ nền độc lập mới giành lại được.

Theo Đại tá TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, bức thư của Bác Hồ vô cùng ý nghĩa, đã động viên đồng bào Nam Bộ vững bước, cũng là một lời kêu gọi cả nước toàn lực ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. "Chính vì thế chúng ta có những đoàn quân Nam tiến, tất cả để làm sao huy động ra phía trước cùng chiến đấu chống lại thực dân Pháp xâm lược. Từ sự ủng hộ nhiệt thành của cả nước chúng ta đã ngăn cản được bước tiến của thực dân Pháp”.

Theo sát tình hình, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời, sát sao đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ngay trong ngày 23/9/1945, sau khi nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, chuẩn y quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ. Ngày 27/9/1945, Chính phủ Trung ương gửi Huấn lệnh cho Nam Bộ.

Ngày 29/10/1945, trong “Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc...”.

Đặc biệt, ngày 25/11/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về kháng chiến kiến quốc, trong đó xác định rõ những “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ”. Thực hiện chỉ thị này, quân và dân Nam Bộ đã vận dụng chiến thuật phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn bước tiến của địch và giành được những thắng lợi nhất định.

Tháng 02/1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, danh hiệu này có ý nghĩa đặc biệt, cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất tin tưởng vào quân và dân Nam Bộ. "Mặc dù đi trước về sau, mặc dù không có thời gian chuẩn bị lâu dài, nhưng cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ đã góp phần ngăn chặn và làm phá sản bước đầu chủ trương chiến lược đánh nhanh giải quyết nhanh của thực dân Pháp. Đồng thời cũng giúp cho miền Bắc có thời gian để xây dựng lực lượng. Chính vì thế, cho nên chữ “Thành đồng Tổ quốc” ở đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm vào đó một niềm tin mong muốn vào quyết tâm chiến đấu của quân dân miền Nam”.

"Thời gian đã lùi xa 79 năm, nhưng tinh thần và những bài học quý của Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Bài học đầu tiên là khẳng định quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập tự do mới giành được ngày 2/9/1945. Thứ hai là khẳng định sự đoàn kết, nhân dân Nam Bộ chiến đấu nhưng đều có sự đồng tình ủng hộ, góp sức của nhân dân cả nước. Nó thể hiện Bắc Nam là một nhà, Bắc Nam ruột thịt. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam không đơn độc, đây là sự phối hợp chiến đấu rất nhịp nhàng. Bài học này là bài học vừa chiến đấu vừa xây dựng mà sau này Đảng ta đã đúc kết lại thành các chỉ thị mang tên “Kháng chiến và kiến quốc”- nó cũng thể hiện đường lối kháng chiến của Đảng là kháng chiến ở miền Nam và kiến quốc ở miền Bắc. Đây là một bài học về sự lãnh đạo của Đảng đã kết hợp các mặt trận, kết hợp các mũi tiến công và kết hợp giữa việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Thời gian đã lùi xa 79 năm, nhưng tinh thần và những bài học quý của Nam Bộ kháng chiến đã được kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Mời nghe âm thanh bài viết tại đây: