Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên, ngành văn hoá không đứng ngoài xu thế đó.

Năm 2024, Bộ VHTTDL đã triển khai rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu đúng - đủ - sạch - sống. Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các vận động viên; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng nhận định, nếu nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều. Các cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ và chưa được khai thác một cách tối ưu. Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận toàn diện, khoa học và thận trọng.

Theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, tài nguyên số là một trong những tài nguyên lớn mà bất cứ quốc gia nào cũng cần tập trung quản trị và khai thác để biến nguồn tài nguyên này trở thành động lực phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ VHTTDL đã tập trung triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và coi đây là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đã chỉ đạo. Ở góc độ quản lý, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình Chính phủ cho phép hình thành các hạ tầng cứng trong vấn đề công nghệ thông tin, ban hành các chiến lược, kế hoạch số hóa một số lĩnh vực như thư viện, du lịch, di sản…

Tính đến nay, trên hệ thống ngành VHTTDL đã tạo lập được 6.290 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị để kê khai hồ sơ và đã hoàn thành 100% việc kết nối và đồng bộ lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, dữ liệu ngành du lịch hiện đang được lưu giữ tập trung trong hệ thống CSDL của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Hiện có một số dữ liệu liên quan đến du lịch đã được chia sẻ rộng rãi qua nền tảng website của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, nhưng những dữ liệu vẫn còn phân tán.

Dữ liệu thống kê du lịch chưa đủ và chưa có một nền tảng đáp ứng đầy đủ nhu cầu để phục vụ thu thập, phát triển và công bố dữ liệu thống kê chuyên nghiệp. Đồng thời, thông tin, dữ liệu thu thập còn hạn chế về tính đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, thường xuyên.

Đối với các CSDL khác hiện đang có hạn chế là số liệu được thu thập và nhập từ nhiều nguồn khác nhau, hoặc do chính các cơ sở kinh doanh tham gia trực tiếp nhập dữ liệu, do đó còn thiếu sự thống nhất, chuẩn hóa về thông tin, dữ liệu không được cập nhật thường xuyên.

"Để phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tối ưu nhất là có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quản lý, vận hành để các Sở quản lý du lịch địa phương và doanh nghiệp du lịch cùng tham gia vào hệ thống" - ông Nguyễn Lê Phúc chia sẻ.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hà Nội nêu thực tế, việc quản lý khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu công tác quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và gia đình từ cấp Sở đến các đơn vị trực thuộc Sở đến UBND cấp huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo phương pháp thủ công dưới dạng hồ sơ, tài liệu giấy và được lưu trữ rải rác theo chức năng, nhiệm vụ tuỳ từng đơn vị. Nguồn cung cấp dữ liệu được tập hợp từ kết quả triển khai các mặt công tác, các hoạt động quản lý nhà nước và từ báo cáo, đề xuất của các đơn vị, địa phương bằng các công cụ, phần mềm quen thuộc của hãng Microsolt...

"Việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ cần có tính tổng thể, đồng bộ, để các địa phương không phải sử dụng nhiều phầm mềm. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể và kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu ngành để địa phương không gặp khó khăn trong việc chủ động triển khai các hệ thống", ông Đỗ Đình Hồng đề xuất.

Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ VHTTDL cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành. Trong đó, tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng và công tác đảm bảo An toàn thông tin trong các dự án, kế hoạch như: Kế hoạch duy trì vận hành môi trường đáp ứng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) - năm 2024 và tới năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành 2 dự án, đó là: “Dự án nền tảng tích hợp, xử lý dữ liệu trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch” và Dự án xây dựng nền tảng, cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.