Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 12km về phía Tây, làng nghề đúc đồng nổi tiếng Trà Đông xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (xưa kia là đất Kẻ Chè), được coi là vùng đất Đế Vương với thế: "Ngũ mã phi tiền - Tam voi phục ngựa hầu".
Trải qua nhiều thăng trầm, nghề đúc đồng ở Trà Đông đã được lưu giữ và phát huy theo phương thức cha truyền con nối. Đặc biệt, với tình yêu nghề, các nghệ nhân của làng đã tìm lại được bí quyết đúc trống đồng, một nhạc khí biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo theo tín ngưỡng của người Việt. Một trong số đó chính là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu sinh năm 1962. Bố của ông cũng là người thợ đúc đồng nổi danh ở mảnh đất này. Cha truyền con nối, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu đã ghi dấu ấn đậm nét khi là người đầu tiên trong cả nước đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống đã từng thất truyền hàng thế kỷ. Bằng tình yêu và đam mê với nghề, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu đã tìm tòi, gây dựng lại nghề, trở thành niềm tự hào của xứ Thanh.
"Bố tôi có nói một điều mà tôi luôn ghi nhớ là cái nghề thủ công này rất quý. Chỉ từ vật liệu đồng nát, than củi nhưng nếu được người nghệ nhân gửi gắm tâm hồn, gửi gắm bàn tay khéo léo và sức lao động của mình vào thì nó sẽ trở thành những báu vật. Cho nên tôi quyết tâm để học làm và giữ nghề" - Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu chia sẻ.
Thời xưa, làng Trà Đông chỉ đúc những đồ đồng dân dụng như: lư, đỉnh, chuông, tượng, các đồ thờ cúng hoặc đồ trang trí, tranh ảnh bằng đồng. Tuy nhiên, kỹ thuật đúc trống đồng, tinh hoa trong lĩnh vực này lại bị thất truyền hàng thế kỷ. Là người yêu nghề và tâm huyết với nghề, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu luôn trăn trở và mong muốn tìm cách khôi phục lại. Với những ý tưởng ban đầu, từ năm 1998, ông bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm và học hỏi kỹ thuật đúc trống, từ những họa tiết, hoa văn, các kiểu dáng các trống ngày xưa...
Để khôi phục lại nghề đúc trống đồng, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đã gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là không có người truyền dạy mà phải tự mày mò, nghiên cứu. Thứ hai, cách làm cũng không giống như khi làm những hiện vật khác. Từ đó, ông đã đi khắp đất nước, chỗ nào có nghề đúc đồng là ông làm thuê để học hỏi kinh nghiệm. Ngoải ra, ông còn đến các Bảo tàng trưng bày hiện vật trống đồng cổ để tìm hiểu, ghi chép kiểu dáng, họa tiết, hoa văn.
Trong suốt 2 năm trời, ông đã đúc thử nhiều lần nhưng bị thất bại bởi kỹ thuật chưa chuẩn. Quãng thời gian đó, kinh tế cả gia đình rơi vào thua lỗ liên tục, làm không ra mà lại mất đi, thậm chí phải vay mượn khắp nơi khiến ông không khỏi có lúc chán nản.
"May mắn là tôi có nguồn động viên rất lớn của gia đình. Tôi luôn suy nghĩ, các cụ ngày xưa đã có công tạo tác ra được trống đồng thì bây giờ tại sao mình lại không làm được? Từ ý nghĩ đó, tôi quyết tâm nghiên cứu. May mắn là đã tìm ra được những bí quyết và làm thành công" - Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu chia sẻ.
Năm 2000, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đã đúc thành công những chiếc trống nhỏ. Niềm vui ấy không thể nào tả xiết. Nghe tin ông đúc trống đồng thành công, từ lãnh đạo tỉnh đến huyện, xã không khỏi bất ngờ, khen ngợi, động viên ông tiếp tục phát huy. Các nghệ nhân trong làng cũng dành cho ông tình cảm quý mến bởi những tâm huyết và tình yêu với nghề.
- Bằng kỹ thuật điêu luyện, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu đã đúc ra nhiều tác phẩm độc đáo, được Tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận. Tác phẩm đầu tiên lập Kỷ lục Guinness Việt Nam là trống đồng lớn nhất Việt Nam với đường kính 2,3m hiện được đặt ở cổng nhà ông. Sau đó là kỷ lục trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt Nam cao 1,6m, rộng 2,4m hiện đang trưng bày tại khu dã ngoại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
- Thời gian sau, ông tiếp tục xác lập thêm 2 kỷ lục Guinness Việt Nam khi đúc thành công đôi tượng thần đèn ngồi quỳ và chiếc trống đồng hai mặt đánh kêu như trống da. Hai hiện vật này hiện đang được lưu giữ tại chùa Đông Sơn và Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa).
- Năm 2016, ông xác lập kỷ lục thứ 5: đúc 1.000 pho tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11/2017 với kỷ lục đúc tượng mẹ Âu Cơ số lượng nhiều nhất.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu tiết lộ, nghệ thuật đúc trống đồng của người xưa rất giỏi, bây giờ làm theo mà còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như họa tiết, hoa văn trên mặt trống hoàn toàn đi ngược kim đồng hồ và nếu làm trên khuôn bằng đất thì phải làm trái âm bản. Những họa tiết, hoa văn rất nhỏ thì nền khuôn bằng đất, chất liệu đồng cũng phải pha chế đúng kỹ thuật thì mới sắc nét, nhẵn, đẹp, bóng. Đặc biệt, khi đúc xong, hoa văn phải đục thủ công bằng tay chứ không thể đục trên máy.
Sau khi nghiên cứu đúc thành công những chiếc trống đồng, ông bắt đầu truyền dạy cho con và một số anh em trong nhà. Sau đó ông tiếp tục mở thêm 6 lớp và đào tạo được gần 300 học viên. Nhiều người trong số đó đã trở thành Nghệ nhân Ưu tú và thợ giỏi trong nghề đúc trống đồng.
"Nghề này nếu mình giữ lại để làm của riêng, mình giấu đi thì mọi người sẽ không biết được. Như vậy thì nghề sẽ không phát triển được và nó lại tiếp tục bị mai một. Cho nên, tôi mang tất cả tâm huyết của mình truyền dạy cho mọi người để gìn giữ và phát triển mạnh lên. Thật mừng là mọi người trong làng nghề đã tiếp thu rất nhanh, họ đã tự làm được và phát huy rất tốt" - Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu vui vẻ chia sẻ.
Hiện tại, nghề đúc trống đồng làng Trà Đông đã phát triển rất mạnh. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu không khỏi vui mừng bởi sau quá trình làm việc không biết mệt mỏi, nghệ thuật đúc trống đồng đã được gìn giữ, phát huy và lan tỏa. Điều này cũng góp thêm động lực cho các nghệ nhân trẻ làng Trà Đông gắn bó với nghề. Đây cũng là sự trân trọng nét văn hóa truyền thống tốt đẹp mà thế hệ cha ông để lại.
Xin mời cuộc trò chuyện giữa phóng viên VOV2 và Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu tại đây: