Hoàn Kiếm là trung tâm của Kinh thành Thăng Long xưa và là một trong bốn quận nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội ngày nay. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà dấu ấn ngành nghề còn lưu lại đậm nét trên tên các tuyến phố.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, phố nghề trong khu phố cổ đã dần mai một, đòi hỏi phải được quan tâm bảo tồn một cách xác đáng, bởi theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam, phố nghề có một vai trò rất quan trọng trong phát triển Thủ đô. "Di sản nghề thủ công truyền thống là một loại hình rất đậm đặc trong loại hình di sản phi vật thể Hà Nội. Và cái đặc biệt của loại hình di sản này là không chỉ giữ cho cá nhân mà di sản này làm ra tiền, hội nhập một cách dễ dàng, cầu nối với các văn hóa khác... Đấy là tiềm năng thấy rõ nhất của nghề thủ công truyền thống".

Nhắc tới Hà Nội là nhắc tới 36 phố phường với những Hàng Thiếc, Hàng Bạc, Hàng Khay, Hàng Đào, Hàng Ngang… mỗi con phố gắn với một nghề thủ công truyền thống. Thế nhưng, trước những thách thức của thời đại mới như: sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế...

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho rằng, để phát triển nghề thủ công truyền thống cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa làng nghề và phố nghề. "Trên phố cổ Hà Nội bây giờ thì không còn nhiều làng nghề mà chủ yếu là nơi để họ tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi cũng đang mong muốn được kết nối giữa phố nghề với làng nghề để làm sao những sản phẩm đưa lên trên phố là những sản phẩm đặc trưng cả về chất lượng và mẫu mã để đáp ứng sản phẩm quà tặng, phục vụ khách du lịch".

Có thể nói phố nghề vẫn là niềm tự hào của người dân Thủ đô và tiềm năng của nó vô cùng lớn nếu như biết phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển. Để làm được điều này, cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực.

Đây cũng là lý do mà nghệ nhân, họa sĩ trẻ Nam Chi đã theo đuổi dòng tranh dân gian hàng Trống. Thông qua mỗi sản phẩm của mình, Nam Chi đã mày mò để vừa kế thừa những giá trị của dòng tranh dân gian này những vẫn có sự sáng tạo để phù hợp với xu thế phát triển. "Với xã hội hiện nay, tranh Hàng Trống nếu chỉ tồn tại với những mẫu truyền thống thì tôi nghĩ nó chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vì thế cần có một số sự đổi mới như là đưa yếu tố lịch sử, yếu tổ bản địa vào bức tranh để có sự sáng tạo và những kỹ thuật có thể nâng tầm hơn như kỹ thuật nghiền vàng, dát vàng lên tranh Hàng Trống để tiếp cận với thị trường nhiều hơn".

Thông qua mỗi sản phẩm thủ công, có thể thấy được dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là sự sáng tạo của cả cộng đồng. Nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm của nó trở thành một kênh lưu giữ ký ức, là sứ giả cho hoạt động giao lưu văn hóa. Vấn đề đặt ra là làm sao để các sản phẩm thủ công trở thành món quà lưu niệm được du khách ưa chuộng, sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống.

Với những nghệ nhân ở khu phố nghề Hà Nội như Nghệ nhân kim hoàn Nguyễn Chí Thành ở phố Hàng Bạc, thì làm nghề và giữ nghề phải luôn bằng cái tâm của mình. "Bởi vì thứ nhất là nghề truyền thống của nhà mình, thứ hai là làm sản phẩm theo truyền thống nó đẹp hơn nhiều. Bây giờ hàng ở Hàng Bạc rất nhiều nhưng phải phân biệt được hai cái cơ bản là mỹ thuật công nghiệp và mỹ thuật thủ công. Của chúng tôi đây là thủ công, mọi cái chúng tôi đều nấu lên và dàn ra thành sản phẩm, người ta thì làm khuôn, công nghệ hiện đại thì làm sáp, đúc... Trong cái nghề tổ truyền có một cái thú là mình làm cho khách một sản phẩm đẹp là mình thích rồi mà khách hài lòng chứ còn đúc thì tốn nhiều vàng mới làm được".

Hà Nội 36 phố phường với những câu chuyện về các thương hiệu “một thời vang bóng” vẫn luôn có sự hấp dẫn, như một dấu ấn đậm nét của lịch sử Hà Nội xưa. Chính vì thế, theo chị Đỗ Diệu Linh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản, cùng với việc thay đổi mẫu mã để các sản phẩm hấp dẫn hơn thì cần tạo ra những câu chuyện cho các phố nghề. "Hiện tại phố nghề của mình không có câu chuyện hoặc nếu có thì rất mờ nhạt. Vậy thì cần phải thiết kế câu chuyện về phố nghề và nghề còn đang sống để kể cho khách du lịch và thông thường là mình kể theo lối có người kể chuyện. Ngoài ra thì còn rất nhiều cách kể chuyện khác, kể chuyện thông qua hình ảnh, video… Tăng sức hút cho các tổ đình có diện tích và kiến trúc tốt bằng một số hoạt động như là trưng bày, giới thiệu, học làm sản phẩm… Những hoạt động này hoàn toàn có thể tổ chức và làm được".

Hà Nội hiện chỉ còn lại khoảng chục con phố nghề theo đúng nghĩa. Chính vì vậy, để tháo gỡ được các vướng mắc mà nghề thủ công truyền thống đang gặp phải, cần có những bước đi cụ thể, có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là mỗi nghề thủ công vừa phải kế thừa phát huy được những giá trị truyền thống nhưng phải có sự đổi mới, sáng tạo để phát triển và hòa nhập với thời đại.

Mời nghe âm thanh tại đây: