Nằm bên dòng sông Cầu, ngôi làng gốm cổ Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã gần 800 năm tuổi chứa đựng nhiều câu chuyện huyền thoại về một làng nghề truyền thống.
Trải qua lịch sử thăng trầm, có những lúc làng nghề tưởng chừng đã bị mai một. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự năng động những nghệ nhân, nghề gốm Phù Lãng đã có những bước chuyển mình phát triển theo hướng ứng dụng mỹ thuật kết hợp với du lịch trải nghiệm đã lan tỏa thương hiệu sản phẩm khắp các tỉnh trong nước và quốc tế.
Hiện nay, làng nghề gốm Phù Lãng có hơn 200 hộ sản xuất gốm với số lao động trực tiếp tham gia sản xuất gốm khoảng gần 1.000 người. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm gốm các loại. Gốm Phù Lãng đã có chỗ đứng nhất định trong nước và quốc tế. Những nghệ nhân, thợ trẻ đã có những đóng góp tích cực vào hướng đi mới của sản phẩm làng nghề.
Chia sẻ về quá trình tái khẳng định vị trí trên thị trường của các sản phẩm gốm Phù Lãng, ông Lê Phú Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lãng cho biết, hơn chục năm trước, ở Phù Lãng chỉ có những người cao tuổi cần mẫn giữ nghề. Nhưng từ năm 2006, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhiều thợ trẻ năng động đã phát triển mở rộng tạo ra nhiều sản phẩm gốm chất lượng, tạo hướng đi mới cho nghề gốm Phù lãng.
“Gốm Phù Lãng thời gian gần đây được sự quan tâm đặc biệt của thế hệ trẻ và các gia đình, các hộ sản xuất gốm. Từ khi năm 2006 về trước thì hầu như ở Phù Lãng đến với làng nghề thì chỉ có các cụ. Từ 2006 về đây thì đã được các thế hệ trẻ làm gốm. Đến nay thì cũng phải hơn 50 cháu vào các trường đại học như đại học Mỹ thuật rồi một số trường liên quan đến mỹ thuật hiện nay đang tham gia trực tiếp sản xuất ra nhiều mặt hàng khác nhau. Rất mừng cho quê hương gốm Phù Lãng”.

Trước đây sản phầm gốm Phù Lãng chủ yếu là những chum, vại đựng nước, đựng rượu… to và nặng, tốn nhiều nguyên liệu mà giá trị kinh tế chưa cao. Thêm nữa, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, những vật dụng này không còn phù hợp nên nghề gốm truyền thống của Phù Lãng dần bị mai một. Nghề mai một cũng có nghĩa là nhiều lớp trầm tích văn hóa đang dần bị lãng quên. Với mong muốn và khát khao mang lại những giá trị mới cho nghề, nhiều nghệ nhân, thợ trẻ trong làng đã tìm hướng đi mới cho sản phẩm gốm.
Anh Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch Hợp tác xã Gốm và Du lịch Phù Lãng cho biết, để bắt nhịp sự phát triển và nhu cầu của xã hội, gốm Phù Lãng không chỉ có những sản phẩm dân dụng như trước đây, mà còn được ứng dụng nhiều kiến thức để tạo ra những sản phẩm ấn tượng, như: tranh gốm, lọ hoa gốm, ấm chén gốm, gốm trang trí, gốm ốp tường.
Hết lòng với gốm, thợ gốm trẻ Phạm Văn Tuấn, sinh năm 1997, do gia đình nhiều đời làm gốm nên ngay từ nhỏ anh đã gắn bó với đất sét, với lò nung, nhưng phải đến cách đây 8 năm Tuấn mới quyết tâm sống với nghề gốm. Vậy là anh bỏ ngang ngành cơ khí đang theo học để chuyển sang thi vào trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp HN. Ra trường, về quê lập nghiệp, sau 3 năm, Phạm Văn Tuấn đã tạo ra nhiều sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình, trong đó có nhiều sản phẩm có giá trị mỹ thuật cao vẫn kế thừa tinh hoa của làng nghề nhưng phát triển theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn. Tuấn bảo, đến thời điểm hiện tại Tuấn cũng khá tự tin mình có thể bước đi trên con đường đã chọn.

Nặng lòng với gốm nên dù không sinh ra tại Phù Lãng, nhưng chị Đặng Thị Tâm, chủ cơ sở gốm Minh Tâm với mong muốn nâng tầm thương hiệu gốm Phù Lãng đã dành tâm sức cho nghề. Cùng với việc sáng tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn OCOP như bộ đồ ăn cổ mang tên Lộc Phát, cơ sở gốm Minh Tâm và gốm Đức Thịnh phối hợp xây dựng những tua du lịch trải nghiệm cho du khách hiểu hơn về nghề gốm.
“Gốm Minh Tâm và gồm Đức Thịnh cùng kết hợp với nhau để tạo ra những chương trình trải nghiệm làm gốm. Làng nghề gốm Phù Lãng mình có lợi thế là một làng nghề có lịch sử lâu đời gần 800 năm. Yêu gốm nên mình cũng đi học hỏi nhiều nơi, cũng muốn để lưu truyền, phát huy được truyền thống làng nghề. Khi mà mình về làm dâu rồi mình cũng đã là một người con của quê hương rồi. Nếu mình không cố gắng để làng nghề mình phát triển thì cảm thấy rất có lỗi”, chị Đặng Thị Tâm chia sẻ.

Còn rất nhiều người trẻ nữa là những người con của Phù Lãng tình nguyện gắn bó với nghề như Đoàn Minh Ngọc, Bùi Thanh Hà Nam… đã mày mò, học hỏi để thử nghiệm, sáng tạo cho ra đời những sản phẩm mới, dù biết đó là con đường đầy thách thức để mang những giá trị mới cho gốm Phù Lãng.
Tiêu biểu là vợ chồng Bùi Văn Huân - Trương Hồng Thương. Sinh năm 1990, từ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với đất sét, Bùi Văn Huân đã sớm có tình yêu với nghề truyền thống. Trăn trở trước việc gốm Phù Lãng chỉ có những sản phẩm chum, vại... ít giá trị kinh tế, anh Huân quyết định theo học Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp với mong muốn đưa mỹ thuật vào gốm. Suốt 10 năm, Huân trải qua những đêm trắng thức canh ngọn lửa, canh nhiệt độ, bao nhiêu lần buồn vui với gốm. Yêu nghề, nghề chẳng phụ công, đến nay anh đã sống được với nghề, sở hữu nhiều bộ sưu tập gốm độc đáo, như: “Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang”, “12 con giáp”, “Gia đình Sen”, “Màu thời gian”, “Đường lên non cao”, “Ruộng bậc thang”... Thương hiệu “Huân Gốm” đã có mặt trong nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, trong đó bộ “12 con giáp” đoạt giải khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2014.
“Trong những sản phẩm, tôi vẫn giữ những nét tinh hoa của các cụ xưa và sáng tạo thêm những nét tươi mới để đưa vào không gian đời sống hiện đại, tạo ra những sản phẩm có sự đan xen giữa cũ và mới, có công năng tốt và mang những giá trị mới cho gốm Phù Lãng”.
Thắp lên ngọn lửa đam mê gia sáng tạo của các nghệ nhân trẻ, năm 2023, thị xã Quế Võ đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế JICA Nhật Bản thực hiện dự án "Phát triển nghề gốm tại xã Phù Lãng thị xã Quế Võ tỉnh Bắc Ninh". Dự án này đào tạo kỹ thuật làm gốm của các nghệ nhân gốm làng TOHO của Nhật Bản cho khoảng 60 học viên làm gốm Phù Lãng theo công nghệ Nhật Bản. Nhờ có sự hợp tác này, nhiều nghệ nhân tại làng gốm Phù Lãng đã học hỏi được kỹ thuật làm gốm, kỹ thuật nung của người Nhật Bản giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng chất lượng và giá trị của sản phẩm gốm Phù Lãng.
Cái gốc cổ truyền vẫn còn đó nhưng cách nghĩ, cách làm đã được các bạn trẻ mạnh dạn thay đổi. Ngôi làng cổ đã có những bước chuyển mình, tương lai của gốm Phù Lãng sẽ vươn ra những thị trường xa khẳng định giá trị văn hóa Việt trên bản đồ gốm sứ thế giới.