Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu là một dòng họ có truyền thống văn hiến lâu đời của nước ta. Định cư từ thế kỷ 15 ở làng Trường Lưu thuộc tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), dòng họ này đã để lại nhiều di sản cho đời sau, trong đó có 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới là Mộc bản Trường Lưu và tác phẩm “Hoàng Hoa sứ trình đồ”.

Không những thế, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu còn nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt, nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, học thuật, giáo dục, văn hóa, văn học, lịch sử, địa lý, y học như vị tổ đầu tiên Nguyễn Uyên Hậu là một nhà giáo tại kinh thành Thăng Long, danh nhân Nguyễn Huy Cự, Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Hổ… Chỉ tính từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX, liên tục 12 thế hệ của dòng họ này đều có người học hành đỗ đạt. Các thế hệ luôn có sự kế tục, trao truyền, kết tinh và lan tỏa nhiều giá trị truyền thống, để lại nhiều di sản văn hóa rực rỡ cũng như góp phần làm rạng danh truyền thống hiếu học của xứ Nghệ.

Trong đó, danh nhân Nguyễn Huy Tự, hậu duệ đời thứ 11 dòng họ Nguyễn Huy, tác giả của “Truyện Hoa Tiên”, người đã cùng cha mình là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh xây dựng nên trường học Phúc Giang hay còn gọi là Phúc Giang thư viện, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, nơi lưu trữ và in ấn hàng vạn bản sách cổ. Ông cũng là một trong những vị tướng phụng sự triều đại nhà Tây Sơn và là tác giả của truyện thơ Nôm nổi tiếng “Hoa Tiên truyện”.

Theo tộc phả dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Nguyễn Huy Tự còn có tên là Yên, tự Hữu Chi, hiệu Uẩn Trai sinh ngày rằm tháng bảy năm Quý Hợi (tức năm 1743) trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Ông là con trai trưởng của một đại thụ trong "vườn văn hoá" Hồng Lam, nhà văn, nhà sử học lỗi lạc, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Thêm nữa, Nguyễn Huy Tự lại là con rể Tiến sĩ Nguyễn Khản ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, ông nội vợ là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm và chú vợ là đại thi hào Nguyễn Du. Năm 1759, mới 17 tuổi Nguyễn Huy Tự đã thi đỗ thứ 5 khoa thi Hương trường Nghệ.

Là hậu duệ đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn Huy danh giá ở Trường Lưu, Nguyễn Huy Tự đỗ đạt và ra làm quan dưới triều Lê. Năm 17 tuổi, Nguyễn Huy Tự đỗ thứ 5 kỳ thi Hương tại trường Nghệ An. Buổi đầu, ông được bổ chức Thị nội văn chức tùy giảng ở phủ Lượng vương. Năm 1767, ông nhậm chức Hồng lô tự thừa. Năm sau (1768) ông được cử làm Tri phủ Quốc Oai. Rồi được bổ làm Hiến sát phó sứ xứ Sơn Nam, Trấn thủ Hưng Hóa, trực tiếp giữ đồn Bách Lẫm.

Năm 1779, ông được đặc cách làm Tiến triều ứng vụ, tiếp đó là Hiệp lý lương hướng Sơn-Hưng-Tuyên, rồi Đốc đồng Hưng Hóa. Ở đây, ông cùng với cha vợ là Nguyễn Khản, và chú vợ là Nguyễn Điều đánh dẹp được cuộc nổi dậy của Hoàng Văn Đồng ở vùng mỏ Tụ Long. Năm 1781, ông được phái làm Khâm sai Giám đằng kiêm ấn quyển ở khoa thi Hội, rồi làm Thanh hình hiến sát sứ Sơn Tây, Đốc đồng Sơn Tây, Hàn lâm viện hiệu lý, tước Uẩn Đình hầu.

Năm 1782, ở kinh đô Thăng Long có loạn kiêu binh. Vương triều và đất nước cùng lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc. Nhân có tang mẹ, Nguyễn Huy Tự xin về chịu tang (1784) và ở hẳn ở nhà không ra làm quan nữa. Về lại Trường Lưu, ông giúp cha là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh chăm lo cho Phúc Giang thư viện, một công trình văn hoá nổi tiếng tại làng quê, là nơi lưu trữ và in ấn hàng vạn bản sách cổ Tứ thư ngũ kinh, các thể loại văn thơ cổ kim cho con cháu học hành và cho văn nhân đến nghiên cứu. Đây vừa là một thư viện cổ còn lưu giữ được cho đến ngày nay, vừa là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước.

Là người thức thời và nhạy cảm nên ông đã theo dõi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Khi được vua Quang Trung vời về kinh thành Phú Xuân ông đã đồng ý góp sức cùng nhà Tây Sơn và được tiến cử giữ đến chức Hữu tham tri bộ Binh. Dưới triều Tây Sơn, ông đã có nhiều đóng góp về mặt quân sự. Bên cạnh đó, ông còn là sứ giả để kêu gọi các Tiến sĩ Nho học của triều Lê đang “băn khoăn giữa đôi dòng” nhà Lê và Tây Sơn. Ông đã mời được Phan Bảo Định (đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi 1787) và Tiến sĩ Bùi Du Lịch là một Tiến sĩ rất nổi tiếng trong giới Nho sĩ của cả nước thời đó ra tham chính triều Tây Sơn, góp phần tăng sức mạnh cho nhà Tây Sơn. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, vua Quang Trung đã có được đội ngũ Tiến sĩ Nho học là nhờ sự đóng góp của Nguyễn Huy Tự.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học phân tích: “Nói về cái tài của Nguyễn Huy Tự thì Tể tướng Nguyễn Nhiễm có nói: “Đại học uyên thâm thì có Nguyễn Thiếp, về văn chương mẫu mực thì có Thám hoa tiên sinh tức là Nguyễn Huy Oánh nhưng còn lớp trẻ mà đa tài đa nghệ lại còn dùng vào việc gì cũng tốt đấy chính là chỉ có Huy Tự mà thôi”.

Không chỉ có những đóng góp về quân sự, đào tạo nhân tài, Nguyễn Huy Tự còn để lại cho đời một tác phẩm rất có giá trị, đó là “Truyện Hoa Tiên”, được coi là niềm tự hào của văn hóa và văn học nước nhà. “Truyện Hoa Tiên” là thiên tình sử đẹp của đôi trai gái đại quý tộc Lương Phương Châu, Dương Dao Tiên. Truyện có 59 hồi, 1860 câu thơ lục bát viết bằng chữ Nôm, mở đầu thể loại thơ lục bát viết bằng chữ Nôm ở nước ta. Sự thành công của truyện Hoa Tiên đã nâng Nguyễn Huy Tự vào vị trí xứng đáng trong hàng ngũ các nhà thơ cổ điển danh nhân văn hoá của đất nước.

“Ở giai đoạn này chúng ta đều biết là rất nhiều văn bản ngoại giao bằng thơ Nôm. Truyện Hoa Tiên của ông được đánh giá là mở đầu cho truyện thơ Nôm ở cuối thế kỷ XVIII. Qua đây, hình ảnh người phụ nữ được đề cao và những mâu thuẫn giữa lễ giáo phong kiến cổ hủ với tình yêu trai gái lứa đôi, trong sáng được phản ánh mạnh mẽ. Thông qua Truyền Hoa Tiên, Nguyễn Huy Tự đã góp phần giải quyết hài hòa sự mâu thuẫn giữa tình yêu trai gái và lễ giáo phong kiến” - TS Nguyễn Hữu Tâm nhận định.

Trong hơn 20 năm làm quan, dù “thạo phép dùng binh, giỏi việc án từ”, Nguyễn Huy Tự còn là một nho sĩ đã nêu tấm gương rèn luyện để đạt đến học vấn uyên bác “ưu thông số thuật, quốc âm, thanh luật kỹ nghệ gì cũng tinh tuyệt”. Cũng như những vị danh nhân của dòng họ Nguyễn Huy, Nguyễn Huy Tự không chỉ làm rạng danh dòng tộc, quê hương mà còn góp phần dựng xây đất nước. Ông bị bệnh và mất ngày 27 tháng Bảy năm 1790, thọ 47 tuổi.

Nguyễn Huy Tự sinh được 9 người con trai và 4 người con gái. Nối tiếp truyền thống dòng họ, những người con của ông như Nguyễn Huy Phó, Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Hổ đều là những văn nhân có tiếng. Trong số đó có người con trai út là Nguyễn Huy Hổ (1783 - 1841), là người tinh thông thiên văn, y học, lý số, giỏi sáng tác văn chương, và là tác giả tập thơ Nôm “Mai đình mộng ký” viết năm 1809.

Mời nghe nội dung chương trình tại đây: