Thương mãi căn bếp phố cổ

Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Nữ nhà báo gốc Hà Nội đã đóng đinh trong chương trình truyền hình được rất nhiều khán thính giả yêu thích: “Hà Nội của chúng ta”.

Hơn 30 năm chương trình "Hà Nội của chúng ta" lên sóng, bà đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, từ phóng viên, BTV, dẫn chương trình đến viết kịch bản, đạo diễn. Hàng trăm con phố, hàng ngàn món ăn ngon và biết bao địa danh lịch sử của Hà Nội được nữ nhà báo cùng đồng nghiệp gửi tới khán thính giả.

Nhưng hơn cả là một nhà báo văn hóa, Tuyết Nhung là người con của Hà Nội. Bà yêu Hà Nội và nhớ thương từng con phố, từng địa danh, từng hương vị của món ăn của Hà Thành.

Trong dòng ký ức của nữ nhà báo, bà không thể quên căn bếp phố cổ, bởi ở đó là tất cả mơ ước ngày xưa của những đứa trẻ “thèm ăn, háu ăn, được ăn” những món ăn ngon của mẹ, của bà, là không khí gia đình thân thương.

“Đó là căn bếp tối mờ bởi bố tôi rất tiết kiệm điện. Căn bếp lúc nào cũng chỉ tỏa ra thứ ánh sáng mờ mờ của bóng đèn đỏ. Có lúc là bếp củi, bếp mùn cưa, bếp tổ ong… từ căn bếp nhỏ ấy, từ góc chạn tối tăm ấy, bà, mẹ và các chị tôi đã làm nên những món ăn “thần diệu” từ những nguyên liệu rất bình dị. Từ căn bếp ấy, tôi đã được học những bài học nữ công đầu tiên vô cùng say mê như rửa lá bánh chưng, đãi đỗ, vo gạo, rim mứt, nấu chè kho, nấu chè con ong, cách sắp xếp trang trí một bát móng thập cẩm như thế nào cho ra lối ăn của thị thành…”- nữ nhà báo Tuyết Nhung nhớ lại.

Căn bếp phố cổ trong dòng ký ức của nhà báo Tuyết Nhung không chỉ là một căn bếp hiện hữu, nơi nấu ăn hàng ngày mà đó còn là căn bếp lưu giữ cả một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn khó khăn từ khi Hà Nội mới giải phóng đến thời kỳ bao cấp. Trải qua thời gian, những căn bếp ở Hà Nội giờ đây sáng choang, hiện đại, đủ đầy nhưng dường như thiếu đi hơi ấm.

“Tôi nhớ lắm hình ảnh mẹ ngồi bên bếp củi. Những viên bọt nhỏ li ti ở cuối những thanh củi còn tươi, khói mù. Những bữa cơm thường xuyên phải ăn cơm độn, cơm chia. Tôi nhớ mình chưa bao giờ được ăn một khúc cá nguyên lành. Bao giờ cá, thịt cũng phải kho lẫn với su hào, củ cải, măng… độn lên để làm sao chia đủ phần ăn cho anh chị em trong nhà”.

Thương nhớ căn bếp phố cổ ngày xưa nên đến tận bây giờ bà vẫn lưu giữ những kỷ vật nhà bếp. Một chiếc tráp đựng trầu, một chiếc bình tích đồng thau, một chiếc mâm bằng đồng, bộ đĩa đàn, chiếc muôi nhôm đã móp méo… tất cả dù đã cũ kỹ, nhuốm màu thời gian nhưng là kỷ vật thiêng liêng bởi ở đó lưu giữ kỷ niệm về mẹ, về bà. Gợi nhớ những bữa ăn, liên hoan, giỗ chạp, cưới hỏi của một thời Hà Nội khó khăn nhưng bình yên và ấm áp.

Chất Hà Nội trong “Hà Thành hương xưa vị cũ”

Rời xa công việc truyền hình ở Đài PT-TH Hà Nội gần 10 năm, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung vẫn đau đáu về một Hà Nội thanh lịch, tinh tế qua từng món ăn. Cuốn sách: “Hà Thành hương xưa vị cũ” với hơn 80 bài viết được xuất bản đầu năm 2021 mới cảm thấu bà yêu và hiểu về Hà Nội như thế nào.

Phát thanh viên Thanh Vân, người từng thể hiện nhiều bài viết về văn hóa ẩm thực của nhà báo Tuyết Nhung trên sóng Đài PT-TH Hà Nội ấn tượng về cách viết tinh tế, giàu cảm xúc, đủ đầy chi tiết trong “Hà Thành hương xưa vị cũ”. Nữ phát thanh viên cho rằng, phải là người yêu Hà Nội lắm, thiết tha với Hà Nội vô cùng mới có được những bài viết đậm chất Hà Nội như thế.

Bằng sự mộc mạc, giản dị, ngòi bút của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đã đưa những người nặng lòng với Hà Nội đi khắp từng con phố, từng làng quê ngoại thành tới những phố nhỏ, ngõ nhỏ. Từ những món ăn tinh túy đến những món bình dân bên chiếc mâm gỗ gia đình. Và nói như nhà báo Tùng Phương khi đọc cuốn sách “Hà Thành hương xưa vị cũ” ta thêm yêu Hà Nội hơn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng cho rằng, "Hà Thành hương xưa vị cũ" không chỉ là những tản văn về kỷ niệm của một người Hà Nội, mà còn là một cuốn sách có thể tra cứu về những tập tục sinh hoạt và ẩm thực đã có nhiều biến đổi theo thời gian, và phần lớn đã chìm trong quá khứ.

Còn với riêng PGS.TS Ngô văn Giá, nguyên Trưởng Khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, những câu chữ trong “Hà Thành hương xưa vị cũ” cứ thật lòng, từ tốn, tỉ mẩn, hà hít tự nhiên, như thể không cần phải một gắng sức nào mà vẫn dậy vị thơm hương.

"Tuyết Nhung là một người Hà Nội gốc nên rất gắn bó, yêu và tự hào Hà Nội. Tuyết Nhung đã gửi gắm tất cả những tình yêu, niềm tự hào về sự tinh tế của ẩm thực Hà Nội vào từng trang sách. Đúng là chỉ một người Hà Nội mới có những trang viết kỹ lưỡng, tỉ mỉ, nâng niu và đẹp đẽ như vậy." - PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ.

Thật vậy, "Hà Thành hương xưa vị cũ" đã đi vào lòng bạn đọc bằng một sự tinh tế, đậm đặc chất Hà Nội như thế.

Nghe chương trình "Mỗi tuần một nhân vật": "Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung: Thương nhớ Hà Nội qua từng hương vị cũ":