Vương triều Hồ với những cải cách táo bạo mang tính vượt thời đại chỉ tồn tại 7 năm nhưng đã gây nhiều tranh cãi trong việc đánh giá, bình phẩm, nhìn nhận. Nhà Hồ được thành lập trong bối cảnh mâu thuẫn xã hội diễn ra trầm trọng, triều chính ngày càng đi xuống, tệ tham nhũng phát triển, gian thần hoành hành, nước yếu, binh nhược trong khi các vua cuối đời Trần thì kém tài nên phải đương đầu với không ít khó lăn.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, trong bối cảnh như vậy, việc Hồ Quý Ly thay thế nhà Trần là một tất yếu của lịch sử. "Triều đại nhà Trần đã tự đánh mất vai trò quản lý và phát triển đất nước bởi sự trì trệ trong tư duy quản lý, sự vướng mắc trong việc tổ chức quản lý đất nước, nên sự thay thế triều nhà Trần để mở đường cho lịch sử tiếp tục tiến lên thì đấy là trách nhiệm của Hồ Quý Ly bên cạnh tham vọng của ông ấy là muốn trở thành thủ lĩnh, đại thủ lĩnh, quân trưởng, hoàng đế".

Nhà Hồ tồn tại chỉ vỏn vẹn 7 năm, thế nhưng từ khi còn là đại thần nhà Trần, Hồ Quý Ly đã tiến hành nhiều cải cách trên các lĩnh lực. Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và triều Hồ, ông đã tiến hành một loạt các biện pháp cải cách về nhiều mặt, thay đổi chính sách cũ, đề ra chính sách mới. Những biện pháp đó nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội Đại Việt, thủ tiêu những yếu tố cát cứ của quý tộc nhà Trần, xây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế tập trung vững mạnh. Những cải cách của ông tương đối toàn diện và có hệ thống, bao gồm nhiều lĩnh vực từ chính trị, quốc phòng đến kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục.

Là một người có tài và nhiều hoài bão nên ngay từ khi còn là bề tôi của nhà Trần, Hồ Quý Ly đã đưa tiền giấy vào lưu hành lần đầu tiên ở nước ta vào năm 1396 thay thế cho tiền kim loại vẫn sử dụng trước đó. Có thể nói sự cải tiến này của nhà Hồ là một bước tiến vĩ đại có tầm nhìn xa trông rộng.

Hồ Quý Ly cũng là vị vua đầu tiên ở nước ta phổ biến rộng rãi việc dùng chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên vị trí quan trọng. Điều đó được xem là biểu hiện của ý chí nêu cao tinh thần dân tộc. Về thi cử, dù chỉ tồn tại 7 năm nhưng nhà Hồ đã tổ chức được 2 kỳ thi, lấy gần 200 người đỗ. Một số nhân tài đỗ đạt dưới thời Hồ sau này phục vụ cho nhà Lê Sơ: Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành.

Về quân sự, nhà Hồ chấn chỉnh và tăng cường quân đội, loại bớt người yếu, bổ sung những người khỏe mạnh, tăng cường quân số và các lực lượng quân sự địa phương. Đồng thời, chú ý cải tiến kỹ thuật quân sự. Hồ Nguyên Trừng - con trai cả Hồ Quý Ly đã chế tạo ra những khí tài mới: súng lớn thần cơ, thuyền chiến Cổ Lâu đi biển. Đặc biệt, nhà Hồ cho xây dựng một kinh thành mới bằng đá kiên cố ở An Tôn là Tây Đô thường gọi là Thành nhà Hồ.

"Thành nhà Hồ là một công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu, là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên. Việc xây ghép các vòm cuốn xây dựng là một kỹ thuật cao của thành nhà Hồ. Do bản thân sức nặng của các viên đá nó đè lên nhau nên không bị xô lệch, gió bão cũng không vấn đề gì trừ trường hợp động đất cực lớn thì bị xô đẩy. Ngày xưa, các cụ có viên dài nhất là khoảng 6m nó nặng khoảng 26-27 tấn", ông Trương Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa chia sẻ.

Ngoài ra, nhà Hồ còn thi hành nhiều chính sách cải cách xã hội, như: hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy, định lại chế độ thuế khóa, chấn chỉnh việc học hành thi cử. Đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức lại quân đội, mở xưởng rèn đúc vũ khí, đóng tàu thuyền, xây đắp hệ thống thành lũy, củng cố các nơi hiểm yếu để phòng thủ đất nước. Tuy nhiên, khi nhà Minh tiến hành xâm lược nước ta vào 1406, mặc dù nhà Hồ đã có nhiều cố gắng xây thành cao, hào sâu, sản xuất nhiều vũ khí.. để chống lại kẻ thù nhưng vẫn bị sụp đổ.

Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng những cải cách của nhà Hồ mặc dù trên phương diện lịch sử chưa đem lại những kết quả thực sự lâu dài cho đất nước, bằng chứng là chưa thực sự giúp cho triều Hồ giữ vững đất nước trước nạn ngoại xâm, tuy nhiên cũng rất đáng trân trọng và có nhiều điểm tích cực, tiến bộ. "Những chính sách đó nhưng với mô hình nhà nước quân chủ nho giáo của Hồ Quý Ly tiếp thu, sau này chính là điều kiện mở ra cho một vương triều Lê sơ. Có thể xem đây là công cuộc mở đầu cho việc phát triển đất nước chúng ta sau này".

Nhà Hồ mà cụ thể là Hồ Quý Ly được ghi nhận là một nhà cải cách lớn, có nhiều tư tưởng tiến bộ trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, vì đã có nhiều bước đi nóng vội, xoáy sâu khoảng cách giữa triều đình và nhân dân, dẫn đến cuộc khủng hoảng lòng tin lớn trong xã hội. Vì mất lòng dân nên đã dẫn đến nhà Hồ thất bại khi đất nước bị quân Minh xâm lược.

Mời nghe bài viết tại đây: