Vốn quý nhất là căn tính của người Việt

“Có người thì bảo, Việt Nam có bờ biển dài, đẹp, cũng có người nói rừng vàng với nhiều cây quý hiếm v.v nghĩa là Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên. Nhưng tôi cho rằng, tài nguyên thiên nhiên Việt Nam có nhưng không có phải là cái nổi trội. Trong khi đó, lịch sử hàng nghìn năm và cho đến tận ngày hôm nay đã thử thách, tôi luyện cho người Việt Nam căn tính kiên cường, đó là một sức mạnh”.

Đó là chia sẻ của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc trả lời phỏng vấn của VOV2 nhân dịp Chào năm mới 2025.

PV VOV2: Thưa bà, ở mỗi một giai đoạn lịch sử thì nét nổi trội trong căn tính người Việt được nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ hòa hiếu có thể coi là một tinh thần xuyên suốt trong nhiều thế kỷ qua và dưới góc nhìn ngoại giao thì tinh thần này cũng đã được thể hiện rất rõ, thưa bà?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi cho là hòa hiếu, dung hòa đã thể hiện vô cùng rõ ràng qua các thời kỳ. Dung hòa có nghĩa là đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Chúng ta không phải là cường quốc nhưng chúng ta đã lái con thuyền Việt Nam an toàn tiến tới qua các thời kỳ phải nói là sóng gió bão táp. Thí dụ, khi mà chiến tranh kết thúc thì chúng ta phải xây dựng lại, thời kỳ đó chúng ta dựa vào phe Xã hội Chủ nghĩa, mà trong phe Xã hội Chủ nghĩa lúc đó cũng có bất đồng giữa Xô (Liên Xô cũ) – Trung (Trung Hoa). Nhưng chúng ta đã tìm cách phát huy được như ý của Bác Hồ đã dặn dò là giữ một sự cân bằng an tòan, dung hòa giữa các bên. Chúng ta đã làm được việc đó khiến cho các đối tác thấy rằng quan hệ với Việt Nam là cái nên vun đắp.

Ở thời kỳ sau đó, Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại dựa vào ngoại giao đa phương. Chúng ta dựa vào các tập hợp khác nhau từ cộng đồng Pháp ngữ đến phong trào không liên kết v.v… Nếu mà nhìn lại thì Việt Nam đã biết cách để lái con thuyền cỡ nhỏ, sau đó là cỡ trung đi giữa biển cả, trong môi trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Kim chỉ nam là luôn luôn đặt vấn đề lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

PV VOV2: Vâng, tôi cũng nhớ là bà đã từng nói rằng “vốn quý nhất trong xây dựng thương hiệu quốc gia là con người Việt Nam”, bà có thể phân tích kỹ hơn về điều này?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Có người thì bảo, Việt Nam có bờ biển dài, đẹp, cũng có người nói nào thì rừng vàng với nhiều cây quý hiếm v.v... nghĩa là Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên. Nhưng tôi cho rằng, tài nguyên thiên nhiên Việt Nam có nhưng không có phải là cái nổi trội. Trong khi đó, lịch sử hàng nghìn năm và cho đến tận ngày hôm nay đã thử thách, tôi luyện, tạo cơ hội cho người Việt Nam thể hiện bản thân một cách rất là thuyết phục.

Cho nên là tôi nghĩ vốn quý nhất là căn tính của người Việt, là sự kiên cường, kiên định của người Việt, khó khăn đến mấy thì chúng ta sẽ có cách vượt qua nếu chúng ta quyết tâm và cùng nhau. Tôi muốn nhấn mạnh là có quyết tâm đó nhưng phải có sự chung sức, sự đoàn kết. Đó là nét rất nổi bật đi đôi với sự hòa hiếu, yêu hòa bình. Và đặc biệt tôi muốn nói là người Việt có khả năng để kiến tạo hòa bình, đi tới và vươn lên của dân tộc Việt Nam, thì đó là một sức mạnh.

Câu chuyện Việt Nam là rất đáng kể

PV VOV2: Bà còn được biết đến với tư cách là người khởi xướng diễn đàn “Thời khắc Việt”, một diễn đàn hướng đến việc định vị và xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia - từ con người. Vậy bà muốn chuyển tải bức thông điệp như thế nào thông qua diễn đàn này?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Thông điệp đó là "liệu thời khắc của Việt Nam đã đến chưa?". Tôi sẵn sàng liệt kê những tín hiệu của thời khắc Việt đã đến! Đó là thời khắc để dân tộc Việt Nam, người Việt Nam trong và ngoài nước tự khẳng định với bản thân. Trước hết niềm tin đó, quyết tâm đó là phải từ bản thân mình mà ra. Nhưng đồng thời, Việt Nam đã trải qua bao nhiêu gian nan thăng trầm. Cho nên với tư cách là người làm đối ngoại, tôi nghĩ, đã đến lúc Việt Nam bước ra ánh nắng của thế giới để chiếm lấy vị trí mình xứng đáng có trong cộng đồng các dân tộc toàn cầu. Trong quá trình làm đối ngoại và mười mấy năm gần đây làm công tác văn hóa xã hội, tôi thấy câu chuyện Việt Nam là rất đáng kể.

PV VOV2: Vâng! Trong thời đại mới này mà chúng ta đang nhắc tới đó là “kỷ nguyên vươn mình” thì con người Việt Nam cần trui rèn những phẩm cách nào để vươn mình ra thế giới, thưa bà?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Đương nhiên là phải có khát vọng và hoài bão. Khát vọng và hoài bão đó là mong muốn đóng góp những điều tốt đẹp cho mình, bắt đầu từ gia đình và người thân hay làng xã của mình. Nhưng phải có cái khác nữa là khát vọng và hoài bão góp phần làm tốt đẹp cho cả đất nước và dân tộc. Và hơn thế nữa, Việt Nam cần phải nhìn rộng ra hơn nữa là hướng về nhân loại. Khát vọng vươn tới cái đẹp hơn, cái cao hơn và để phát huy tối đa năng lực mà mỗi con người chúng ta có, kể cả trong điều kiện khó khăn.

PV VOV2: Như bà chia sẻ và nhấn mạnh là cần phải tìm ra thế mạnh của người Việt Nam để khẳng định và lan tỏa? Vậy theo bà thế mạnh của người Việt Nam hiện tại là gì?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Đó chính là ý chí vươn lên và nhìn về phía trước, không bỏ cuộc bao giờ. Tố chất người Việt là quyết tâm vươn tới chứ không mong chờ người khác ban lại cho mình.

Lấy câu chuyện Việt Nam để dệt thương hiệu quốc gia

PV VOV2: Là người dành trọn tâm huyết và gắn bó với công tác ngoại giao nhân dân nhiều năm. Vậy theo bà việc xác định căn tính người Việt có ý nghĩa như thế nào trong việc định vị và xây dựng thương hiệu quốc gia?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Thông thường khi nói đến thương hiệu quốc gia thì người ta hay nghĩ đến du lịch, ẩm thực, hay danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa… Nhưng tôi phải nói đó là việc phát huy các căn tính Việt trong thương hiệu quốc gia như thế nào? Quan trọng là gì? Đó là nhìn nhận cái hay, cái mạnh của mình để phát huy trong chừng mực có thể khi mà chúng ta xác định và xây dựng thương hiệu đất nước.

Tôi xin nêu vài ba nét nên phát huy: Thứ nhất là kết hợp xưa và nay đi đôi với nhau. Chúng ta phải xác định phát huy kết hợp xưa và nay, trong đó áo dài là một ví dụ. Áo dài từ quá khứ đi vào hiện đại và tương lai, kết hợp xưa và nay một cách uyển chuyển.

Một cái nữa là vì chúng ta đã từng là thuộc địa của phương Tây, cũng đã từng hàng nghìn năm chịu ảnh hưởng của phương Bắc, thế nhưng chúng ta đã biết cách dung hòa, du nhập có chừng mực và nội địa hóa. Người Việt sẵn lòng đón nhận thế giới bên ngoài nhưng luôn luôn giữ mình.

Điểm thứ ba là đoàn kết tương thân, tương ái, chung sống hòa bình và bản sắc dân tộc, lấy câu chuyện Việt Nam mà dệt thương hiệu quốc gia.

PV VOV2: Vâng xin trân trọng cảm ơn nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh về cuộc trò chuyện. Cảm ơn thông điệp mà bà đã mang đến cho chúng ta ngày hôm nay, đó là dù bất kể ở đâu, lúc nào thì chính những con người Việt Nam với tâm hồn và trí tuệ Việt Nam đã tạo nên sức mạnh và bản sắc dân tộc, thương hiệu đất nước.

Mời nghe nội dung cuộc trò chuyện tại đây: