Quả không sai khi nói Văn Cao là một nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Việt Nam, với những đóng góp không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn ở thi ca, hội họa. Riêng với âm nhạc, ông đã lưu những dấu ấn sáng tạo mang tính khai phá, mở lối, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò định hình ở các thể loại tình ca, trường ca và nhạc cách mạng.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: Âm nhạc của Văn Cao là âm nhạc của thần tiên bay bổng. "Đèn soi trăng êm, nhạc lắng tiếng quyên, đây đó nỗi lòng mong nhớ/ Này khúc bồng lai, là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi” (Thiên thai).
Những lời ca, giai điệu rất tình ấy còn được bắt gặp trong “Buồn tàn thu”, “Bến Xuân” (Đàn chim Việt), rồi “Cung đàn xưa”, “Suối Mơ”, “Trương Chi”… Hay những khúc hát reo vui đầy khoáng đạt của “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Mùa xuân đầu tiên”… hành khúc hào hùng, kiêu hãnh trong “Tiến về Hà Nội”, “Trường ca Sông Lô”… và đặc biệt là “Tiến quân ca” - sau này trở thành Quốc ca Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023), nhằm tôn vinh tài năng của ông - người nghệ sĩ lớn, chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Đàn chim Việt” được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 20/8. Một chương trình mà tầm vóc của nó đã vượt lên trên một sự kiện âm nhạc, một lễ kỷ niệm.

Có thể nói, nhạc sĩ Văn Cao đã vẽ nên bức chân dung nghệ sĩ của đời mình bằng một tài năng “không giới hạn”. Ông đã cống hiến trọn đời cho nền nghệ thuật dân tộc với các tác phẩm được coi là một phần trong tài sản tinh thần của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Tinh thần của ông, âm nhạc của ông vẫn theo suốt dọc dài đất nước và mãi ngân vang qua năm tháng, được nâng niu, yêu thương và trân trọng. Một tình yêu giản dị như lẽ tự nhiên, như “mùa bình thường” đem theo những ước mơ tình người bất tận, để ngày mỗi ngày “chim reo thương nhớ - chim ngân xa…”.
Mời nghe âm thanh tại đây: