Theo đó, sau chương trình khai mạc Festival Khèn Mông Hà Giang năm 2023 và Lễ đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III sẽ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Mùa Xuân Cao nguyên”.

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Lễ hội văn hóa ẩm thực và du lịch Hà Giang từ ngày 23/3 đến ngày 26/3 tại Quảng trường 26/3 và Công viên cây xanh, thành phố Hà Giang; Cuộc thi Khiêu vũ thể thao tỉnh Hà Giang trong hai ngày 24-25/02; Cuộc thi Múa và thổi Khèn Mông tỉnh Hà Giang trong hai ngày 11-12/3 tại TP. Hà Giang.

Đặc biệt, từ tháng 2 đến hết tháng 3 tại TP. Hà Giang và trên địa bàn 4 huyện vùng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm, trình diễn, giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc như Không gian văn hóa chợ Đồng Văn; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc…

Sự kiện văn hóa này được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang; tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa, mang đậm tính nhân văn cao đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Đồng thời, Festival Khèn Mông Hà Giang là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có; giới thiệu các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của Hà Giang đến du khách trong nước và quốc tế; đông thời là hoạt động văn hóa, du lịch tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Hà Giang từ những ngày đầu năm 2023.

Với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, người Mông ở Hà Giang có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, sinh sống chủ yếu ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây Hoàng Su Phì, Xín Mần. Từ lâu, chiếc khèn đã trở thành nhạc cụ gắn bó với đồng bào dân tộc Mông và là biểu tượng độc đáo trong đời sống văn hóa của người Mông.

Khèn Mông của tỉnh Hà Giang năm 2015 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Qua đó đã khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch của địa phương.