Lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế. Đây là một hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285, hai vương triều Đại Việt và Champa đã kề vai sát cánh trên trận tuyến chống kẻ thù chung. Sự liên minh khăng khít đã làm cho thượng hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến vân du Chiêm Thành năm 1301 đã hứa gả công chúa út của mình cho vị vua liên bang trẻ tuổi có chí lớn. Lúc đó Huyền Trân khoảng 14 tuổi. 5 năm sau, khi Huyền Trân đã trưởng thành, sứ bộ đã đến kinh đô xin định sính lễ. Vua Anh Tông đã thực hiện lời hứa của thượng hoàng, và công chúa Huyền Trân đã hy sinh tình riêng, vì dân tộc chấp nhận kết hôn cùng với Chế Mân. Sứ bộ đã dâng sính lễ trọng hậu là đất hai châu Ô, Lý (vùng đất Thuận Hóa - Phú xuân - Thừa Thiên - Huế ngày nay) và rước công chúa vu quy về Vijaya. Tháng 7 năm 1306, đoàn hải thuyền vượt biển về Nam. Đến cửa Ô Long, đoàn thuyền ghé nghỉ. Xúc động vì sự xuất giá của em gái, vua Anh Tông đã cho đổi tên cửa biển này là Tư Dung hải môn, để bày tỏ nỗi niềm của mình và nhắc nhở cho đời sau mãi mãi nhớ đến sự hi sinh vì nghĩa lớn của nàng công chúa Việt Nam. Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức chức định kỳ hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng - ngày giỗ của Công chúa Huyền Trân, với ý nghĩa tri ân công đức của bà vì sự phát triển của nước Đại Việt.

Năm nay, lễ hội Đền Huyền Trân có nhiều hoạt động hấp dẫn để phục vụ du khách như: biểu diễn múa Lân sư rồng, biễu diễn võ thuật và thi đấu đẩy gậy, biểu diễn của các câu lạc bộ nghệ thuật, biểu diễn Ca Huế, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn thư pháp, trình diễn áo dài truyền thống, triển lãm di sản cố đô Huế qua nghệ thuật ký họa…

Đây là một trong những sự kiện văn hóa, lễ hội tiêu biểu của Thừa Thiên - Huế chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào đón Xuân Nhâm Dần và tiếp tục đẩy mạnh chuỗi các hoạt động, sự kiện của Festival bốn mùa năm 2022. Lễ hội mang đậm sắc thái truyền thống được khai mở với sự tri ân sâu sắc đến Hoàng đế - Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những người đã có công lao to lớn để cách đây 715 năm, Đại Việt có thêm hai châu Thuận Hóa vuông ngàn dặm, kéo dài từ đất Quảng Trị đến sông Thu Bồn - Quảng Nam, trong đó có xứ Huế của chúng ta hiện nay.