Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Trung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, văn hóa và quốc phòng. Hiện nay, Ấn Độ là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Á, với nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng, du lịch và giáo dục. Đặc biệt lĩnh vực du lịch đang là mối quan tâm hàng đầu khi người dân hai nước ngày càng có nhu cầu khám phá và trải nghiệm các nền văn hóa của nhau.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cả hai quốc gia cũng như các nguồn lực về du lịch vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Cơ chế, chính sách và cách tiếp cận của các doanh nghiệp du lịch còn chưa phù hợp, dẫn đến việc chưa tận dụng tốt các yếu tố văn hóa và con người để tạo lợi thế cạnh tranh.

Tại hội thảo, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam thông tin, khách du lịch Ấn Độ nằm trong Top 6 các thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng của khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam so với trước đại dịch Covid-19 tăng gấp 3 lần. Đây là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong tất cả các thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trong khi đó, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đánh giá cao hợp tác trao đổi du lịch hai chiều, số lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam năm 2024 là 510.000 khách và khoảng 57.000 khách Việt Nam đến Ấn Độ, tăng khoảng 30%. Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn đối với khách du lịch Ấn Độ, bằng chứng là năm vừa qua, Việt Nam đã đón những đoàn khách du lịch Ấn Độ lên tới 5000 người. Đây là kết quả đáng mừng khi cả hai quốc gia đang có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy du lịch.

"Chính phủ hai nước dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển kinh tế, trong đó có du lịch. Bên cạnh đó là sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia trong việc tăng cường giao lưu, trao đổi khách. Nhiều sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn được khai thác. Điều này cho thấy, du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác. Do đó, hai quốc gia cần phát huy những thành tựu đã đạt được và tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong tương lai. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào mức tăng trưởng khoảng 40-50% trong những năm tới", ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Đức Minh cho biết, khách Ấn Độ thường có xu hướng thích đến các di sản và những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như: phố cổ Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang... Tuy nhiên, gần đây, khách Ấn Độ hay đến địa danh như Sa Pa, Lào Cai do các khách sạn và nhà hàng ở đây có thể đáp ứng được nhu cầu của khách Ấn Độ. Ở chiều ngược lại, Du lịch tâm linh thăm quan các điểm đến tôn giáo nổi tiếng như: Bồ Đề Đạo Trang (Bodh Gaya), Vườn Lộc Uyển (Sarnath) và các di tích Phật giáo khác. Hay du lịch văn hoá, khám phá các nền văn hoá, nghệ thuật, và lịch sử của Ấn Độ qua như các lễ hội Diwali, Holi, hoặc thăm quan các di sản được UNESCO vinh danh, du lịch sức khoẻ, khai thác các chương trình Yoga, thiền định, Ayurveda - những giá trị nổi bật của Ấn Độ cũng là các sản phẩm hấp dẫn du khách Việt Nam.

Ông Tôn Sinh Thành, cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, trong 10 năm qua lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đã tăng gấp 10 lần, từ khoảng 50 nghìn người vào năm 2014 lên 500 nghìn người vào năm 2024. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ so với tiềm năng du khách từ Ấn Độ và khả năng thu hút khách du lịch của Việt Nam.

Cũng theo ông Thành, thị trường du lịch Ấn Độ rất lớn, với tầng lớp trung lưu hiện chiếm 31% dân số cả nước và họ có xu hướng du lịch theo nhóm lớn, do đó Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển dịch vụ phục vụ các đoàn khách có quy mô lớn, đặc biệt ở loại hình du lịch MICE và du lịch đám cưới. "Nếu phát triển đúng hướng, thị trường Ấn Độ sẽ giúp đa dạng hóa nguồn khách quốc tế đến Việt Nam, giảm phụ thuộc vào các thị trường khách truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản".

Chia sẻ về giải pháp tăng cường trao đổi khách giữa hai nước, ngài Sandeep Arya - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới 2 bên sẽ tăng thêm 14 chuyến bay vì hiện tại có khoảng 56 chuyến bay thẳng một tuần để kết nối 6 thành phố ở Ấn Độ như: New Delhi, Chennai, Mumbai… với Việt Nam. Ấn Độ cũng khuyến khích các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, IndiGo… mở thêm các đường bay từ các thành phố khách để thúc đẩy lượng khách du lịch giữa hai nước. Ngoài ra, cơ chế thị thực điện tử cũng cần được đẩy nhanh hơn nữa về thời gian dù hiện tại vấn đề này đang được triển khai hiệu quả và ghi nhận mức tăng trưởng về số thị thực điện tử được cấp cho du khách.

Từ những nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính nêu những việc ngành Du lịch Việt Nam cần làm trong thời gian tới để trao đổi khách du lịch hai chiều là: tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển dịch vụ du lịch phù hợp với văn hóa Ấn Độ.

"Chúng ta cần hiểu biết văn hóa, nhu cầu, thói quen của du khách Ấn Độ mới có thể tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho họ. Ngoài ra, cũng cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông cũng như dịch vụ ở các điểm đến du lịch để giữ chân khách", ông Chính khẳng định.

Với ngành du lịch Việt Nam, Ấn Độ là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng và có tác động lớn đến việc quảng bá hình ảnh, dịch vụ du lịch của nước ta. Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, ngành du lịch phục vụ khách Ấn Độ tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, trải nghiệm độc đáo và gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia.

Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), tổng chi tiêu của khách Ấn Độ ra nước ngoài khá cao. Năm 2018, đạt 21,3 tỷ USD và năm 2019, tăng 9,8%, so với 2018. Dự báo, mức chi tiêu này có thể đạt 45 tỷ USD, vào năm 2025 và khoảng 91 tỷ USD vào năm 2030.