Ngày 15/3/1951, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nằm trong căn cứ kháng chiến Việt Bắc, Tổng cục Chính trị công bố quyết định thành lập Tổng đội Văn công thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Đây là đơn vị nghệ thuật tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội ngày nay.
Trong suốt chặng đường lịch sử, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, sáng tác, bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc; dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc, phản ánh chân thực, sinh động, phong phú cuộc sống chiến đấu, lao động, sản xuất, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.
Chợ phiên Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cuối tuần vốn đã đông vui, nhộn nhịp bỗng trở nên náo nhiệt hẳn lên khi có sự xuất hiện của các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Trên sân khấu, những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, các điệu múa, bài hát đặc trưng của núi rừng Tây Bắc... được các nghệ sỹ mặc áo lính thể hiện đã nhận được những tràng pháo tay không dứt.
"Thật sự đó là những tình cảm rất trân quý đối với chúng tôi bởi vì nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ các chiến sỹ và đồng bào nhân dân trên toàn quốc. Sự cổ vũ nhiệt tình, sự yêu mến của nhân dân chính là nguồn động lực để những nghệ sỹ chúng tôi nỗ lực thể hiện mình, phục vụ chiến sỹ và bà con nhân dân" - Thiếu tá Phạm Thế Dũng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội chia sẻ.
Trước khi đến với huyện Bắc Hà, các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã tổ chức biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 121 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, Quân khu 2, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 254 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai, các Lực lượng Vũ trang và nhân dân trên địa bàn...
Thành lập trong kháng chiến chống Pháp, 73 năm qua, Nhà hát luôn giữ vững vị trí là lá cờ đầu của hoạt động văn nghệ trong quân đội. Trong giai đoạn mới, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng, Nhà hát luôn nỗ lực phấn đấu nối tiếp truyền thống vẻ vang, giành những đỉnh cao mới về nghệ thuật, phục vụ tốt hơn bộ đội và nhân dân.
Đến nay, Nhà hát đã có 14 nghệ sỹ được phong tặng Danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”; 73 nghệ sỹ được phong tặng Danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”, “Nhà giáo Ưu tú”; nhiều nghệ sĩ, tác phẩm được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, huy chương vàng trong các hội thi, hội diễn toàn quân và toàn quốc về văn học nghệ thuật...
"Được phục vụ cán bộ chiến sỹ và nhân dân là một niềm vinh dự, tự hào của những người nghệ sỹ, chiến sỹ. Chúng tôi được cống hiến, được đem những lời ca tiếng hát, điệu múa góp phần cổ vũ, động viên cán bộ chiến sỹ và nhân dân hăng say trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Và đó là nhiệm vụ rất cao cả mà người nghệ sỹ chúng tôi cũng đóng góp vào sự phát triển của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - Đại tá Nguyễn Công Hải – Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội vui vẻ cho biết.
Hàng năm, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội sáng tác, dàn dựng, biểu diễn hàng trăm chương trình nghệ thuật có nội dung tư tưởng sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, tham gia biểu diễn ở hàng chục quốc gia, phục vụ kiều bào ta sinh sống tại nước ngoài; biểu diễn phục vụ công tác Đối ngoại Quốc phòng, được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá rất cao.
Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội khẳng định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên chiến sĩ trong Nhà hát cũng tận tâm, tận lực với công việc, luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng Nhà hát ngày càng vững mạnh và phát triển. "Chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách đem lời ca tiếng hát cổ vũ động viên tinh thần cho đồng bào chiến sĩ cả nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao".
Thời gian qua, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đã đi dọc chiều dài đất nước, từ núi rừng biên cương đến các hải đảo xa xôi, những nơi khó khăn, gian khổ để phục vụ bộ đội và nhân dân. Những buổi biểu diễn đó đã để lại trong lòng khán giả những ấn tượng và tình cảm sâu sắc về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết quân, dân, cùng chung tay, xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
"Mỗi chuyển biểu diễn như thế đều để lại trong chúng tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp, những cảm xúc đối với những chiến sỹ đang ngày đêm dành tuổi thanh xuân của mình để giữ từng tấc đất máu thịt của Tổ quốc cũng như bà con nhân dân ở trên mọi miền của Tổ quốc đón nhận những sản phẩm âm nhạc, những chương trình nghệ thuật" - Thiếu tá Phạm Thế Dũng, Phó Đoàn trưởng Đoàn ca múa nhạc Dân tộc, Nhà hát ca múa nhạc Quân đội bày tỏ.
Đại tá Nguyễn Công Hải – Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Nhà hát cho biết, Nhà hát luôn coi trọng công tác xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. "Mỗi lần để hoàn thành chương trình nghệ thuật thì chúng tôi đầu tư rất lớn, từ khâu sáng tác, dàn dựng các tác phẩm hát, múa, nhạc rất công phu. Đây là sự lao động nghệ thuật rất nghiêm túc và rất là vất vả của các nghệ sỹ để có những chương trình đến với bà con, với các cán bộ chiến sỹ trên mọi miền Tổ quốc".
Trên chặng đường 73 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ở đâu có bộ đội và nhân dân, ở đó có nghệ sĩ, chiến sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Truyền thống đó luôn gắn liền với tên tuổi của những nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ và những tác phẩm đi cùng năm tháng, lừng danh trong nền âm nhạc, nghệ thuật của Cách mạng Việt Nam. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, các nghệ sĩ đã khắc họa sâu sắc bản chất, hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ – nghệ sĩ tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân và chiến sĩ cả nước.
Xin mời nghe chi tiết tại đây: