Từ ngày 2/2 đến 6/6/2022, chị Bông Mai đã đi qua các vùng Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Đồng Bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long, không chỉ trải nghiệm cảnh đẹp mà còn gặp gỡ những con người, những màu sắc văn hóa mới.

Trong suốt hành trình dài hơn 10.000 km đó, chị đã chinh phục tất cả các cung đường, kể cả những cung đường đèo được cho là rất khó với các phượt thủ. Chị đã gặp gỡ người dân 35 dân tộc, chụp và ghi hình 55 bộ trang phục, thu được 49 làn điệu dân ca. Trở về từ cuộc hành trình, nhà báo Bông Mai tổ chức triển lãm mang tên “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” để chia sẻ hành trình này với mọi người.

PV: Xin chào nhà báo Bông Mai! Động lực thôi thúc chị thực hiện chuyến đi này là gì?

Bông Mai: Có rất nhiều lý do. Lý do đầu tiên là mình thấy mọi người có rất nhiều định kiến với phụ nữ: phụ nữ không thể làm điều này, phụ nữ không nên làm điều kia vì ràng buộc với những trách nhiệm. Mình đi để chứng minh phụ nữ có thể làm được rất nhiều điều, chỉ cần điều đấy thực sự làm cho họ hạnh phúc và là mong muốn của họ. Đối với Mai, mình có hạnh phúc thì mới có thể cho đi hạnh phúc.

Thứ hai, một lý do rất cá nhân: Mình là một người mẹ, mình thực hiện hành trình này với mong muốn “cai con”. Lúc mình chia sẻ điều này với bạn bè thì nhiều người ngạc nhiên bảo “làm gì có chuyện mẹ cai con mà chỉ con cai mẹ thôi”. Nhưng khi phụ nữ sống quá dựa vào sự phát triển của con thì sẽ rất ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của con sau này. Mai muốn mình là một người mẹ độc lập, có cuộc sống độc lập với các con của mình, không cản trở lẫn nhau. Đấy là lý do rất phụ nữ.

Ngoài ra, với tư cách là một nhà báo thì lâu nay mình cũng đã dùng hết các kiến thức và trải nghiệm văn hóa của mình. Mình muốn đi để có một hành trình học hỏi, tìm hiểu, bồi dưỡng thêm các kiến thức về văn hóa Việt Nam. Đấy là những lý do thôi thúc Mai thực hiện hành trình này.

PV: Tại sao chị lại chọn con số 99 ngày để kết thúc hành trình này?

Bông Mai: Trong cuốn sách dự kiến phát hành trong năm nay mình có giải thích rõ điều này. 99 ban đầu là số đếm chứ không liên quan gì đến phong thủy hay tâm linh. Khi chúng ta đếm đến 99 thì sẽ phải chuyển qua một vòng quay mới là 100, vươn đến một dãy số mới. Mình muốn nói rằng, hành trình xuyên Việt của mình có thể dừng lại ở 99 ngày, nhưng tiếp theo sẽ còn rất nhiều “số 99” nữa. Con số đó có ý nghĩa kết thúc một vòng quay này và mở ra một vòng quay mới.

PV: Một mình trên hành trình 99 ngày, chinh phục những cung đường – có những đoạn đường đèo có thể nói là khó nhất, rồi những lúc tủi thân nằm ốm một mình. Có giây phút nào, có khoảnh khắc nào chị muốn dừng lại không?

Bông Mai: Cuộc đời mình – chưa có lúc nào, với bất cứ lý do nào, ở bất cứ hành trình nào – mình muốn dừng lại. Mai là người nếu bắt đầu đi là sẽ đi đến cùng với nó! Nếu có khó khăn thì chỉ là thêm một trải nghiệm cho mình, thêm một bài học để mình học cách vượt qua. Chưa bao giờ Mai có suy nghĩ trong đầu là mình sẽ dừng lại hành trình này.

PV: Chị có thể kể một vài khó khăn mình đã vượt qua trong hành trình này?

Bông Mai: Rất nhiều người hỏi mình là sao trong triển lãm hay ở những lần kể chuyện trước công chúng, mình chẳng bao giờ nói về khó khăn. Mình có 2 lý do để không nói về khó khăn. Đầu tiên là mình chuẩn bị khá kỹ cho chuyến đi này, kể cả việc tập luyện khả năng ứng phó với mọi biến cố. Thứ hai, mình không muốn nói ra những khó khăn vì mỗi người sẽ có quan điểm về việc khó khác nhau. Tất cả những điều đó chỉ là thử thách, và chúng sẽ giúp mình học thêm nhiều bài học.

Bản thân những điều mọi người hay hỏi, ví dụ hỏng lốp xe hay hết xăng... mình phải tiên lượng trước tất cả những việc đó (dù không dám nỏi là tiên lượng được cả 100%), nhưng mình tránh hoàn toàn không để bản thân rơi vào những tình huống khó khăn. Là phụ nữ đi một mình, mình sẽ không đi vào lúc trời bắt đầu tối. Mình sẽ tính toán và chọn điểm dừng phù hợp. Hay chuyện hết xăng chẳng hạn, khi còn nửa bình mình đã phải tính là đến thị trấn hay nơi nào có trạm xăng là mình phải đổ rồi.

Cho nên phải chia sẻ rất thành thực là mình không gặp phải những khó khăn quá mức để cản trở hành trình của mình. Đấy cũng là bài học kinh nghiệm mình muốn chia sẻ: Trước khi làm việc gì chúng ta cũng nên chuẩn bị trước và đưa ra các tình huống, thậm chí tập luyện trước với nó. Đôi khi mình chuẩn bị kỹ quá nên có khi những khó khăn cũng sợ không đến với mình (cười).

PV: Hẳn là có rất nhiều thông điệp chị muốn gửi đến công chúng thông qua hành trình và triển lãm này?

Bông Mai: Mình vẫn chọn slogan chuyến đi là “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”, “dám sống” ở đây không hàm ý thách thức mà là “dám đi đến cùng mục tiêu bạn đặt ra”, vượt qua những khó khăn có thể cản trở bạn.

Với những người phụ nữ quanh Mai, Mai cũng muốn gửi đến họ thông điệp: Không phải cứ xách xe lên đi như mình mới là “dám sống”, mà mọi người hãy dám làm những điều gì làm cho mình hạnh phúc, thay đổi những điều đã thành lối mòn. Dám sống cũng có nghĩa là mình dám trao lòng tin cho người lạ, trao yêu thương cho mọi người xung quanh mình. Đấy là những thông điệp mà thông qua triển lãm này Mai mong muốn lan tỏa nhất.

Có một điều nữa: Triển lãm và chuyến đi này nằm trong dự án Vạn Hoa – một dự án mà mình làm việc cùng các bạn trẻ. Mình muốn trang bị kiến thức cho các bạn (bản thân con gái mình cũng là quản lý dự án này), để các bạn có thêm kiến thức về đồng bào và dân tộc mình, tự hào với những gì mình đang có. Nói nghe có vẻ hơi đao to búa lớn, nhưng Mai muốn trao lại nghĩa vụ và trách nhiệm bảo tổn, phát huy văn hóa dân tộc cho các bạn trẻ.

Triển lãm này mình khá bất ngờ vì 70% là các bạn trẻ đến tham quan, và các bạn rất hào hứng với những chất liệu được giới thiệu ở triển lãm. Một điều mừng hơn nữa là khi đến đây công chúng đều thấy bản thân mình ở đâu đó trong câu chuyện của Mai. Thế nên, đây không giống như triển lãm mà là nơi mình kể lại câu chuyện của mình, đồng thời gặp được những câu chuyện của người khác trong câu chuyện của mình. Điều thành công nhất là Mai đã gửi được tình cảm yêu thương của mình đến mọi người và nhận lại rất nhiều tình cảm.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi!