Body shaming là một thuật ngữ phổ biến trong văn hóa phương Tây, ám chỉ những hành động bằng ngôn ngữ như đánh giá, phán xét, bình phẩm, chê bai ác ý vẻ bề ngoài của ai đó. Không chỉ miệt thị người khác, body shaming còn bao hàm những suy nghĩ tự miệt thị bản thân, tức tự ti vào ngoại hình của chính mình. Tình trạng này hay gặp ở những người rụt rè, hướng nội.
Văn hóa phương Tây cực kỳ tôn trọng quyền tự do cá nhân. Lịch sử văn minh phương Tây lại đề cao sự cùng chung sống một cách hòa bình giữa các sắc da, dân tộc. Chỉ cần bạn nhìn chằm chằm vào một bộ phận cơ thể của ai đó (ngoại trừ giao tiếp ánh mắt khi trò chuyện) cũng là hành vi khiếm nhã. Hiện tượng bình phẩm ngoại hình hoặc nặng hơn là miệt thị ngoại hình (body shaming) thường được cho là phổ biến hơn ở Á Đông, nơi con người thiên về sống theo các tiêu chuẩn của tập thể và vì vậy, các yếu tố lệch chuẩn dễ bị chú ý hơn.
Chuẩn mực văn minh thì là như thế! Nhưng tình trạng body shaming diễn ra phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Ngay trong ca dao tục ngữ cũng tồn tại một số câu nói hàm ý miệt thị chẳng hạn như “Những người thắt đáy lưng ong/Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con” hay “Nhất lé, nhì lùn…”, gây tổn thương cho bao thế hệ dù chẳng có cơ sở khoa học nào. Thói xấu đó đã trở thành một phần của văn hoá nên đa số thản nhiên sử dụng hàng ngày và nạn nhân chỉ biết cười gượng cho qua, rồi sự xúc phạm cứ tiếp tục và tổn thương ngày càng sâu, thậm chí trở thành ám ảnh.
Có rất nhiều kiểu body shaming đang tồn tại ngoài xã hội. Trong đó phổ biến nhất bao gồm 2 dạng chính: Miệt thị thân hình, vóc dáng: chê người khác béo, gầy, lùn, dáng đi xấu…Đây là kiểu phổ biến nhất. Miệt thị làn da: màu da, da xấu "nhiều mụn nhìn sợ”; hay Face shaming, cụm từ dùng để diễn tả người bị chê bai về các đặc điểm trên khuôn mặt của họ như mũi to, môi thâm, răng hô, gò má cao…
Văn hóa giễu nhại, hài hước một cách thông minh, dí dỏm, sâu sắc là điều rất được ưa thích ở phương Tây. Diễn viên hài độc thoại là một nghề đem lại sự nổi tiếng và tiền bạc cho nhiều ngôi sao (tổng thống Ukraine Zelenskyi cũng từng là một diễn viên hài độc thoại).
Nhưng trong trường hợp của Chris Rock, sự hài hước của anh đi quá giới hạn và trở thành vô duyên. Bởi đối tượng nhắm đến của anh ta - Jada Pinkett Smith - bị mắc chứng bệnh rụng tóc. Nghĩa là Rock không chỉ miệt thị ngoại hình mà còn miệt thị bệnh tật của cô.
Từ xưa đến nay, bình phẩm người khác là thói quen của nhiều người. Họ chưa tìm hiểu đối phương về tính cách, nếp sống, học thức… đã vội kết luận, tạo ra những lời nói, cử chỉ khó nghe. Ban đầu, những hành động này chỉ để vui đùa. Thế nhưng dần về sau nó sẽ trở thành thói xấu, ác ý. Đối với người phán xét, đó chỉ là trò tiêu khiển, đùa giỡn thoáng qua. Nhưng với người phải nhận những lời đó thì body shaming lại là nỗi ám ảnh, tổn thương sâu sắc. Thậm chí có thể khiến người nghe cảm thấy tự ti, tức giận, ảnh hưởng xấu tới tâm lý và sức khỏe của họ.
Một ngày nào đó, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của sự bỡn cợt gây tổn thương. Nó có thể không chỉ dừng lại ở ngoại hình mà còn động chạm tới những vấn đề tế nhị và to lớn như sự khác biệt văn hóa, hạnh phúc cá nhân và phẩm giá.
Hành vi bạo lực của Will Smith - ở một góc độ nào đó - đáng bị chê trách. Nhưng sẽ cần thiết hơn khi tìm ra nguyên nhân và chặn đứng nguyên nhân sâu xa đó từ gốc rễ: những lời miệt thị ngoại hình vô duyên.