Chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Vấn đề đặt ra khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là làm thế nào khuyến khích được các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt phải khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, phù hợp với các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thảo luận tại điểm cầu Quảng Nam, đại biểu Dương Văn Phước đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ sự trọn vẹn của tác phẩm.

Ông đề nghị viết lại khoản 4; điều 1 về quyền nhân thân theo hướng: “Bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, không cho người khác xuyên tạc; cắt xén tác phẩm dưới bất cứ hình thức nào khi chưa được tác giả cho phép”.

Lý giải về kiến nghị này, ông Phương cho rằng, với quy định về quyền nhân thân như dự thảo Luật hiện nay các tổ chức, cá nhân có thể sửa đổi, cắt xén tác phẩm miễn là không phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.

Nếu quy định như vậy sẽ làm mất đi vai trò, hạn chế quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình đồng thời tạo sự ra sự tùy tiện cho việc xâm hại quyền nhân thân của tác giả. Vì tổ chức, cá nhân có thể tác động vào tác phẩm mà không cần sự cho phép của tác giả, miễn là không gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.

“Việc quy định gây phương hại đến uy tín, danh dự, uy tín của tác giả là một quy định rất khó xác định trên thực tế. Vì giá trị của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chủ quan và quan điểm riêng của tác giả. Ý kiến nào để xác định là phương hại hay không phương hại? Phương hại đến mức độ nào rất khó xác định trong thực tế. Cần tuyệt đối hóa quyền nhân thân của tác giả theo hướng mọi hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa mà không có sự thỏa thuận của tác giả đều là vi phạm quyền nhân thân”, ĐBQH Dương Văn Phước nhấn mạnh.

Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, ông Dương Bình Phú (ĐBQH tỉnh Phú Yên) kiến nghị ban soạn thảo viết lại điều 37 về chủ sở hữu tác giả là tác giả theo hướng: “Tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả trừ hợp tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ hoặc hợp đồng theo quy định tại điều 39 của Luật Sở hữu trí tuệ”.

Quy định cụ thể như vậy theo ông Dương Bình Phú để tránh sự diễn giải sai lệch rằng, người nào đầu tư tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật để sáng tạo ra tác phẩm là tác giả; những người cùng đóng góp thời gian, tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật để tạo ra tác phẩm là đồng tác giả.

“Tác phẩm là sáng tạo tinh thần. Do đó người đầu tư tài chính hay cung cấp tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật không thể coi là đồng tác giả trừ khi họ là những người trực tiếp và có hợp đồng sáng tạo tác phẩm và thể hiện dấu ấn sáng tạo của cá nhân tác giả”, ông Dương Bình Phú nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, để đảm bảo khai thác hiệu quả đối tượng quyền tác giả tạo ra từ ngân sách, ông Phú kiến nghị cần có một chính sách mới được quy định cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ trong việc nhà nước trực tiếp giao sở hữu một số đối tượng quyền tác giả là kết quả nghiên cứu từ kinh phí nhà nước do tổ chức nghiên cứu để các đối tượng này dễ dàng khai thác và thương mại hóa.

“Ở điều 8, chính sách của nhà nước về sở hữu trí tuệ đề nghị bổ sung chính sách đặc thù về quyền tác giả góp phần tạo điện kiện phát triển hai lĩnh vực về công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa dễ dàng, thuận lợi và có định hướng cao hơn”, ông Dương Bình Phú đề xuất.

Liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo ông Nguyễn Văn Huy (ĐBQH tỉnh Thái Bình) việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí tên thương mại, bí mật kinh doanh và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là không phù hợp.

“Điều này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp”, ông Nguyễn Văn Huy băn khoăn.

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, một số đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan.

Bên cạnh đó, về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Ủy ban Pháp luật đề nghị vẫn giữ quy định của Luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.