Có một khoảng thời gian khi truyền hình, mạng xã hội bùng nổ đã khiến nhu cầu nghe giảm xuống. Nhưng cùng với sự phát triển của các nền tảng nghe trực tuyến và sự bận rộn của cuộc sống khiến nhu cầu nghe đã và đang tăng lên. Những giọng đọc “vàng” có cơ hội trở lại, khẳng định trong lòng thính giả nhiều hơn. Phóng viên VOV2 phỏng vấn TS Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài TNVN quanh câu chuyện về các phát thanh viên (PTV).

PV: Thưa ông, phát thanh viên, tự thân tên gọi đã gợi nên công việc của những người làm công việc này. Nhưng cũng không nhiều người biết đến những cống hiến, đóng góp của những phát thanh viên cho nền báo chí nước nhà, cho cả những phần việc chuyên sâu?

TS Đồng Mạnh Hùng: Vâng, khi nhắc tới Đài tiếng nói Việt Nam chúng ta thấy cả một quá trình lịch sử dài đều gắn bó với rất nhiều tên tuổi các phát thanh viên nổi tiếng, ví dụ như bà Dương Thị Ngân, ông Nguyễn Văn Nhất, bà Vân Yến, bà Lan Hương, NSND Tuyết Mai, Việt Khoa, Kiên Cường, Trần Phương, Phi Điểu…Rồi sau này có các phát thanh viên như NSƯT Hà Phương, Hoàng Yến, Kim Cúc, Việt Hùng, tiếp đến Phượng Minh, Hải Yến, Minh Nguyệt…Họ trở thành thương hiệu, thành niềm thương nỗi nhớ trong lòng biết bao thế hệ thính giả của Đài tiếng nói Việt Nam. Những giọng đọc đó đi cùng năm tháng, thậm chí trở thành huyền thoại. Khi nhắc đến chuẩn tiếng Việt, chuẩn phát âm đều nhắc đến họ. Rõ ràng họ góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng Tiếng Việt. Chính điều này, chúng tôi đã nghĩ tới việc phải tôn vinh những phát thanh viên bằng việc đưa ra hạng mục “Giọng vàng” trong Liên hoan phát thanh. Và mỗi năm cũng thực hiện tôn vinh nhiều “giọng vàng” của phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam và các đài địa phương. Họ đã trở thành cầu nối để đưa tác phẩm của phóng viên, biên tập viên, nhà thơ, nhà văn…tới công chúng.

PV: Chúng ta ghi nhận vai trò của những phát thanh viên bằng những danh hiệu như nghệ sĩ ưu tú, NSND, “giọng đọc vàng”...Nhưng như ghi nhận thì phần lớn các cô chú, anh chị vào nghề thường vì đam mê mà rẽ ngang. Vậy đã có trường hay cơ sở nào đào tạo phát thanh viên chưa, thưa ông?

TS Đồng Mạnh Hùng: Phát thanh viên như tôi thấy kén chọn người vô cùng. Có những người chúng ta tuyển họ làm phát thanh viên nhưng sau vài năm đều tự đào thải vì ngoài năng khiếu ra, họ còn phải rèn luyện rất nhiều. Nhưng có khi rèn luyện nhiều cũng không giỏi được. Nhiều phát thanh viên xuất thân từ nghệ sĩ, giáo viên hay ở lĩnh vực nào đó không liên quan đến lĩnh vực báo chí. Vì có giọng đọc hay, họ trở thành phát thanh viên. Phát thanh viên mới được nhà nước công nhận là chức danh nghề nghiệp. Cùng với đó thì cũng có các trung tâm đào tạo, thường vẫn chỉ là tự phát do các phát thanh viên, những người dẫn chương trình ở Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đứng ra tổ chức và chưa thực sự chuyên nghiệp. Bộ Thông tin Truyền thông sau khi công nhận chức danh phát thanh viên cũng tổ chức bồi dưỡng. Tuy nhiên việc đào tạo giọng đọc cũng chưa nhiều thời gian, chủ yếu là chuẩn về kiến thức, chuẩn về kỹ năng. Tôi nghĩ rằng, phát thanh viên, phóng viên, biên tập viên khi đã đến với nghề buộc phải tự đào tạo trên cơ sở học hỏi người đi trước, đọc sách vở và phải tự rèn luyện nhiều.

PV: Ngoài giọng tốt, theo ông, để trở thành một PTV và lại có thể trở thành một thương hiệu thì cần những yếu tố nào khác nữa?

TS Đồng Mạnh Hùng: Mỗi phát thanh viên chỉ có thể mạnh ở một thể loại thôi. Ví dụ có người đọc truyện đêm khuya rất hay, người khác lại đọc chính luận vô cùng đanh thép và trở thành thương hiệu, gắn với chuyên mục đấy. Có nghĩa rằng mỗi PTV để trở thành một thương hiệu cá nhân cần được gắn bó với một chuyên mục hay một thể loại nào đó để họ có cơ hội thể hiện tất cả những gì thuộc về sở trường, thế mạnh. Còn tự thân PTV cũng cần tự phát hiện ra năng khiếu, thế mạnh của mình ở lĩnh vực nào để theo đuổi. Tất nhiên hằng ngày các anh chị vẫn phải đọc tất cả, không thể nói tôi chỉ đọc nội dung này hay nội dung kia. Nhưng khẳng định bằng những tác phẩm thuộc thể loại phô diễn được giọng đọc của bản thân tốt nhất đồng nghĩa tạo được thương hiệu cá nhân mỗi PTV.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng khi công nghệ phát triển, cùng với xu thế phát thanh hiện đại, các PV, BTV cũng thể hiện luôn tác phẩm của mình. Điều này cho thấy những giọng đọc chuyên nghiệp có nguy cơ bị thay thế và nghề phát thanh viên bởi lẽ đó sẽ khó lòng tồn tại. Ông nghĩ sao về điều này?

TS Đồng Mạnh Hùng: Thực ra mà nói đến thời điểm này, chỉ còn Đài tiếng nói Việt Nam còn tồn tại phòng phát thanh viên riêng biệt. Còn ở các đài địa phương thì PTV đều trực thuộc và không còn tồn tại riêng biệt nữa. Điều này chứng tỏ xã hội đã thay đổi. PTV không chỉ đọc nữa mà họ còn phải tham gia dẫn chương trình, làm công việc của thư ký biên tập …Ở các nước hiện nay cũng không còn tồn tại hệ thống PTV chuyên nghiệp nữa. Tôi cho rằng câu hỏi PV, BTV hay lực lượng nào đó có thể thay thế PTV hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của từng đơn vị. Nếu chúng ta cho rằng PTV chỉ dừng ở công việc của một người đọc thông thường thì đúng là rất đơn giản. Nhưng nếu chúng ta cho rằng cần phải tạo ra thương hiệu đài phát thanh hay đài truyền hình thông qua hệ thống PTV hoặc người dẫn chương trình sẽ cần một sự đầu tư khác

Bạn có nhắc đến công nghệ hiện đại, AI có thể thay thế giọng đọc không thì đến thời điểm này, chúng ta cũng thấy rằng có rất nhiều MC ảo, PTV ảo tham gia vào hệ thống phát thanh, truyền hình rồi nhưng vẫn trên cơ sở giọng nói của các PTV chuyên nghiệp. Phải có đủ số lượng phút, số lượng từ của PVT chuyên nghiệp để xắp xếp thành PTV ảo hay còn gọi là PTV AI. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy rằng nếu sự ghép từ không khéo sẽ khiến người nghe rất khó chịu. Và khi đọc, người PTV còn thể hiện tình cảm, phụ thuộc nhiều vào bối cảnh sự kiện, sự việc đã và đang diễn ra để thể hiện chính xác nhất, kết nối đến thính giả tạo nên cảm xúc chung. Còn nếu AI thì có khi chỉ đọc đều đều, có thông tin nhưng không thể có hoặc không thể chuyển tải tình cảm. Tất nhiên người ta vẫn kỳ vọng sẽ “dậy” được AI dần dần để có thể có những PTV ảo đạt được hiệu quả như chúng ta mong muốn. Đến lúc đó thì tôi không biết, còn thời điểm này vẫn còn chưa thể đạt được. Và thính giả, công chúng thương thức vẫn muốn nghe những giọng đọc thực sự của người PTV thể hiện được nội dung, tình cảm và cả bối cảnh sự việc diễn ra. Có lẽ sẽ phải tính toán khi mà lượng lao động trong một hệ thống tuyển hạn chế, không thể cứ phình to ra mãi. Người làm phát thanh cần phải làm được nhiều thứ và người PTV có thể làm cả công tác biên tập hoặc dẫn chương trình. Tuy nhiên phải xác định được đâu là việc chính và tiếp tục làm thật tốt. Và cần khẳng định xưa nay, tất cả các kênh phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước thì các PTV vẫn giữ một giá trị, một thương hiệu riêng. Điều này nhắc nhở việc cân nhắc cẩn trọng khi chuyển đổi phát thanh, truyền hình theo xu thế hiện đại hiện nay.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

- NSƯT Trương Văn Hùng, nghệ danh Việt Hùng: "Đào tạo nghiệp vụ thì ngày trước nội quy, kỉ luật rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Hàng tuần có những buổi học nghiệp vụ, nhận xét cho mình để mình thấy chỗ nào là yếu, chỗ nào mạnh, chỗ nào cần phải khắc phục. Điểm mạnh của những người được tuyển vào làm PTV là giọng đọc nhưng phải học tập, rèn luyện liên tục để đọc làm sao thu hút người nghe"

- PTV Trần Thị Thúy Hằng, nghệ danh Phương Hằng: "PTV ngoài chất giọng thì phải đam mê với công việc, tích lũy những kiến thức dù rất nhỏ của đời sống. Bản thân mình khi có cơ duyên vào nghề cũng được các thầy như NS Hà Phương, NSƯT Việt Hùng, Kim Cúc, Hoàng Yến truyền dạy không chỉ kĩ năng mà cả nhiệt huyết, cả tình yêu nghề theo phương thức cầm tay chỉ việc"

- PTV Nguyễn Kim Phượng: " Để đến với nghề này ngoài duyên nghề, một chút năng khiếu phải học hỏi không ngừng từ các cô chú, anh chị đi trước. Nghề này còn cần phải giữ giọng như không ăn lạnh, thường uống nước ấm rồi tự trang bị những mẹo để tránh tổn thương giọng, đảm bảo lên sóng".

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 cùng TS Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư kí biên tập, Đài tiếng nói Việt Nam: