Sáng nay (18/12), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành VHTTDL với chủ đề “Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị.

Chủ động - Tăng tốc - Về đích

Với chủ đề công tác năm “Chủ động - Tăng tốc - Về đích”, năm 2024 được xem là năm có nhiều điểm sáng, điểm nhấn nổi trội của toàn ngành, một năm với những đột phá trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VHTTDL.

Năm 2024, Bộ VHTTDL đã chủ trì báo cáo các cấp có thẩm quyền thông qua 1 Luật, 1 Chương trình; cho ý kiến 1 Luật; ban hành 5 Nghị định; phê duyệt 2 Quy hoạch, 1 Chiến lược phát triển ngành. Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư.

Điểm nhấn quan trọng là Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31.1.2024 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tạo nguồn lực quan trọng cho văn hóa phát triển theo quan điểm: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững ở nghĩa rộng.

"Phải nhận thức một cách sâu sắc: Phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Nhiệm vụ xây dựng phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, là hồn cốt của dân tộc. Nhiệm vụ của toàn ngành là phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để tự tin bước vào kỷ nguyên mới", Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ sẽ tập trung vào việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa; quy hoạch hệ thống du lịch... "Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng sau Hội nghị, toàn ngành sẽ sẵn sàng nguồn lực, cùng với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt để phấn đấu thực hiện chức năng: “Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững”.

Đổi mới tư duy, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, kết quả nổi bật của toàn ngành VHTTDL năm qua, khi mà trong những thành tựu chung của đất nước, ngành đã có nhiều đóng góp quan trọng và nổi lên nhiều điểm sáng. Trong đó, nổi bật là tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý Nhà nước về văn hóa". Cùng với đó, việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế, cơ chế, chính sách về VHTTDL được bổ sung, phát triển mới, ngày càng hoàn thiện, toàn diện, sâu sắc hơn.

Thủ tướng cũng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để ngành VHTTDL tăng tốc, bứt phá trong năm 2025, đó là: tạo đột phá về thế chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số; đào tạo nhân lực chất lượng cao; huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp; nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành; xây dựng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm tốt; tạo cơ hội, cơ chế cho người dân được thụ hưởng thành quả của VHTTDL.

"Chúng ta đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhưng nếu chỉ trông chờ nguồn lực Nhà nước thì rất khó phát triển. Phát triển ngành VHTTDL, ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí phải huy động nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực xã hội, nguồn lực doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững ở nghĩa rộng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, toàn ngành VHTTDL cần đổi mới về tư duy, hành động. Nói như Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng - phát triển văn hóa là “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau” (dẫn lời Bài hát "Bài ca xây dựng, nhạc sĩ Hoàng Vân).