PV: “Chung một dòng sông” – bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng, ra đời năm 1959, kể từ đó cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20, điện ảnh Việt Nam với dòng chảy chính là những bộ phim về đề tài cách mạng, chiến tranh đã thực sự thăng hoa. Nhiều người nói rằng, nó hay-hấp dẫn là bởi những bộ phim này mang được hơi thở của thời cuộc lúc bấy giờ, khi mà cuộc chiến tranh bao trùm lên khắp dải đất Việt Nam. Giá trị nghệ thuật và giá trị đời sống là của thời điểm đó mà thôi. Quan điểm của nhà phê bình điện ảnh Mai Anh Tuấn như thế nào?

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: Tôi cho rằng, nếu chúng ta đánh giá những bộ phim về đề tài chiến tranh, cách mạng của điện ảnh Việt Nam ít nhất từ năm 1959 đến năm 1975 chỉ mang tính chất gắn liền với giai đoạn chiến tranh của đất nước là rất vội vàng và chưa thật sự đánh giá một cách đầy đủ những giá trị đóng góp của dòng phim điện ảnh cách mạng Việt Nam nói chung và phim về chiến tranh cách mạng Việt Nam nói riêng.

Rất nhiều bộ phim trong giai đoạn đó có thể coi là một mẫu mực, thậm chí là kinh điển của điện ảnh Việt Nam, không chỉ bởi vì nó lột tả được đặc thù của đời sống xã hội, công cuộc kháng chiến kiến quốc của đất nước chúng ta mà quan trọng hơn đó là những bộ phim thể hiện sự mẫu mực của nghệ thuật điện ảnh của Việt Nam.

Nó thực sự là một giá trị mang tính chất di sản, trở thành một trong những niềm tự hào của công chúng khi nói về điện ảnh cách mạng Việt Nam. Những tác phẩm đã được khẳng định về giá trị nội dung và cả giá trị nghệ thuật.

PV: Theo anh thì phim về đề tài cách mạng lịch sử, chiến tranh khi chúng ta nhắc đến tại thời điểm này liệu có là lỗi thời?

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng là không hoàn toàn lỗi thời trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì ít nhất có 3 lý do lý do.

Thứ nhất, trong lịch sử dân tộc, thế kỷ 20 là giai đoạn chúng ta phải đối diện với nhiều cuộc kháng chiến, đặc biệt là kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều câu chuyện, sự kiện, con người trong giai đoạn đó mà chúng ta chưa khai thác, chưa thể hiện một cách trọn vẹn. Vậy thì đấy chính là một nguồn đề tài, một cảm hứng lớn cho ngành nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng.

Lý do thứ hai, trong thời đại hiện nay mặc dù có nhiều đề tài, nhiều vấn đề mang tính chất thời sự với phần đông khán giả Việt Nam thì câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về lịch sử, câu chuyện về quá khứ của đất nước vẫn là một trong những điểm thu hút.

Lý do thứ ba, tôi nghĩ rằng là những nhà làm phim vẫn có một chí hướng muốn nhìn lại lịch sử dân tộc, họ vẫn có một sự đau đáu muốn sáng tạo về mảng đề tài về chiến tranh cách mạng Việt Nam.

PV: Tôi cũng tin là những tác phẩm điện ảnh, phim truyện khi hay thì đều có thể hấp dẫn khán giả, dù cho đó là câu chuyện kể về quá khứ, về lịch sử, về chiến tranh. Không nói đâu xa, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… vẫn khai thác đề tài này và họ cũng đã cho ra đời những bộ phim thành công vang dội. Nói như vậy để chúng ta củng cố thêm niềm tin là dòng phim cách mạng, chiến tranh, lịch sử là không lỗi thời. Nhưng vì sao công chúng vẫn rất ít đón nhận những bộ phim trong nước hay, hấp dẫn về đề tài này, thưa anh?

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: Quả thật để giải thích về hiện tượng như chị vừa nói tôi nghĩ là cần phải nhìn ở 2 góc độ.

Góc độ đầu tiên là chúng ta phải nói về cái đặc điểm của thế hệ công chúng ngày hôm nay. Rõ ràng là chúng ta đang chứng kiến một sự xuất hiện của một lớp công chúng khán giả trẻ họ có một khoảng cách nhất định đối với câu chuyện, với bối cảnh lịch sử xã hội là những năm chiến tranh cách mạng.

Điểm thứ hai là một bộ phận công chúng đó dường như cũng không thật sự để tâm lắm đến những vấn đề của lịch sử của xã hội.

Lý do thứ ba là chúng ta thấy là gần đây mặc dù chúng ta vẫn có những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng mà có lẽ khán giả công chúng vẫn thường bị hút vào với những bộ phim nước ngoài mang tính chất giải trí nhiều hơn và vì thế cho nên họ đôi khi không thật sự mặn mà với những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng.

Nhưng còn có một nguyên nhân khác bắt đầu từ chính những công việc làm phim của chúng ta, tức là những người trong cuộc tạo ra những bộ phim đề tài về chiến tranh, cách mạng. Phải nói rằng là trong vòng khoảng 20 năm vừa rồi chúng ta có những thế hệ đạo diễn vẫn tiếp tục khai thác đề tài này nhưng nhìn chung nhiều bộ phim cho thấy tay nghề làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng vẫn còn khá yếu, vì thế nó không tạo ra những bộ phim thật sự hay.

Đề tài chiến tranh cách mạng là một đề tài được coi là nằm lòng của nhiều đạo diễn thế hệ trước nhưng lại không phải là một đề tài mà được các đạo diễn thế hệ sau, đặc biệt là thế hệ 7x, 8x quan tâm một cách thường xuyên. Chính vì thế, nên khi làm về đề tài này thì họ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu những câu chuyện, họ thiếu những tư liệu lịch sử cách mạng. Họ cũng thiếu rất nhiều các yếu tố liên quan đến kỹ thuật, kỹ xảo làm phim, công nghệ làm phim. Họ cũng thiếu một phần nào đó cái sự hỗ trợ và tạo điều kiện của cơ chế nhà nước trong việc sản xuất làm bộ phim này.

Nhưng có lẽ là chúng ta vẫn phải quay trở lại là phần lớn những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam là được Nhà nước đặt hàng. Bản thân nó vô hình chung đã từ chối hay ít nhất là không muốn tham gia vào thị trường điện ảnh nơi mà chúng ta biết là công chúng sẽ quyết định sự thành công bộ phim đó. Và vì thế, đôi khi một số bộ phim làm như một nhiệm vụ chính trị thay vì như là một sản phẩm vừa có tính nghệ thuật vừa có tính thương mại, trong khi đó chúng ta biết rằng là những bộ phim của nước ngoài về lịch sử, trước hết là những bộ phim thương mại và họ phải có một khả năng thu hồi vốn.

Một số ý kiến cho rằng, cách kể chuyện chúng ta vẫn còn khá đơn điệu, vẫn còn đi theo một chiều. Phần lớn nó có một sự gài cắm những bài học, những thông điệp tương đối rõ ràng. Tôi thấy hoàn toàn đúng. Hai là câu chuyện truyền thông quảng bá những bộ phim này nhìn chung vẫn chưa được mạnh lắm.

Rồi khi mà chúng ta làm bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng thì phải có liên quan đến các trận đánh lớn, liên quan đến vũ khí đạn dược, tức là đòi hỏi kỹ thuật dàn cảnh, kỹ thuật làm phim rất là tốn kém. Trong khi chúng ta chưa có một trường quay hay là có nhân lực có kỹ thuật để thực hiện các bộ phim.

Chính vì thế, đôi khi khán giả nghe đến tên bộ phim rất hay nhưng mà đến xem thì có phần thất vọng. Tôi lấy một ví dụ như trường hợp là bộ phim “Sống cùng lịch sử” năm 2014, đấy là một bộ phim mà ê kíp làm phim đều là những người tên tuổi như đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nhà biên kịch Đoàn Tuấn và tôi nghĩ là câu chuyện rất là gần với các bạn trẻ hôm nay. Thế nhưng mà khi chúng ta ra chiếu rạp thì cũng không thu hút được khán giả lý do là bởi vì đây là một bộ phim về chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng kỳ xảo kỹ thuật thì không có.

PV: Trở lại một chút với những bộ phim nước ngoài về đề tài chiến tranh mà tôi có nhắc ở trên. Anh có thể phân tích vì sao họ lại thành công được. Ví dụ như "Hậu duệ mặt trời", hay một số bộ phim của Trung Quốc chẳng hạn?

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: Theo tôi vẫn tập trung ở 3 lý do chính. Thứ nhất, tôi cho rằng là để làm được bộ phim về lịch sử về chiến tranh phải có một ê kíp làm phim chuyên sâu về mảng đề tài này. Thứ hai là bản thân các bộ phim ăn khách kể cả của Hollywood hay là của phương Tây của châu Âu hay là của Hàn Quốc của Trung Quốc thì đều đi theo một mô hình làm phim khá gần với Hollywood, tức là mãn nhãn về mặt âm thanh, kỹ xảo, có một khả năng tạo ra sự hấp dẫn rất lớn đạt đến kỳ chuẩn mực về mặt thể loại. Điểm thứ ba là những bộ phim đấy họ hướng tới một mục đích rất là rõ ràng ngay từ đầu là thương mại có doanh thu.

Chính vì thế, cho nên họ có thể không bị gánh trên vai một số điều thường phải thấy ở Việt Nam như là tuyên truyền, giáo dục - những việc mà nếu được thoát ra sẽ cho phép các nhà làm phim rảnh tay hơn để đạt được mục đích.

PV: Có một sự vượt trội về kỹ xảo về công nghệ, về sự đầu tư, về khả năng lực của đội ngũ làm phim của nước ngoài so với Việt Nam. Vậy thì chúng ta làm thế nào để rút ngắn được khoảng cách này hay nói chính xác hơn là chúng ta sẽ có thể làm gì để có thể xoay chuyển được những tình thế khó hiện nay?

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: Tôi không phải là trực tiếp làm phim cho nên với tôi đây là một câu hỏi rất là khó. Nhưng mà tôi hoàn toàn chia sẻ với những nhà làm phim dấn thân vào đề tài chiến tranh cách mạng, bởi những thử thách mà họ sẽ phải đối diện trong tương lai.

Tôi vẫn thấy đâu đó có những đạo diễn bắt đầu khai thác đề tài này và họ đã thành công chẳng hạn như bộ phim “Người trở về” của đạo diễn Đặng Thái Huyền hay là bộ phim “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười. Ở đây đặt ra cho chúng ta một số suy nghĩ là có những cách thức nào để dòng phim về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam phát triển được.

Theo quan điểm của tôi thì ít nhất là sẽ có 3 vấn đề đặt ra. Một là chúng ta phải giải quyết về nhân lực làm phim. Cụ thể là lớp đạo diễn mới, những nhà biên kịch trẻ. Họ phải làm và phải dấn thân vào đề tài vốn dĩ rất là khó khăn này. Họ phải coi đó là như là một trong những thử thách nghề nghiệp của họ và họ quyết tâm theo đuổi.

Thứ hai là bản thân các nhà sản xuất phim hiện nay thì chúng ta biết là phần lớn điện ảnh Việt Nam ra rạp đều là những sản phẩm của các công ty tư nhân. Vì thế, cho nên tôi vẫn chờ đợi và hy vọng là các nhà sản xuất phim, các mạnh thường quân, thậm chí xã hội phải có một nguồn lực đầu tư và coi mảng đề tài này cũng là một trong những nội dung có thể phát triển được.

Vấn đề đặt ra thứ ba là tôi nghĩ là từ phía cơ quan quản lý, từ phía Nhà nước phải là những người hỗ trợ một cách tốt nhất cả về mặt tài chính, cả về mặt kỹ thuật, cả về mặt nhân lực để có thể có một sức bật trong việc tạo ra những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Thực ra hiện nay chúng ta đang nói về vấn đề kinh phí hay tài chính cho đầu tư sản xuất các bộ phim này nhưng tôi nghĩ là cũng không phải đến mức quá khó khăn hoặc không tìm ra các nguồn. Vấn đề là cần phải chọn mặt gửi vàng đầu tư đúng trọng điểm và đặt ra được mục tiêu yêu cầu rõ ràng, cụ thể đối với các nhà làm phim để khi họ khai thác thì đề tài chiến tranh cách mạng thì có thể vừa đạt được hiệu quả về nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ nghệ thuật nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ liên quan đến thị trường điện ảnh.

PV: Anh nghĩ như thế nào đến yếu tố nội dung, kịch bản, nên thay đổi như thế nào để tiếp cận được công chúng khán giả hiện nay?

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: Mặc dù chúng ta luôn đề cao và cổ vũ cho đề tài chiến tranh cách mạng nhưng chúng ta phải đặt ra được một vấn đề: vậy đâu là những điểm mới, đâu là những yêu cầu cần phải có trong cái mảng đề tài này. Tôi lấy ví dụ khi chúng ta viết biên bản về đề tài chiến tranh cách mạng thì cho phép chúng ta phải nói đến tận cùng, có thể không kể về những chiến dịch những trận đánh lớn nhưng mà chúng ta có thể kể về số phận con người trong chiến tranh. Chúng ta cũng có thể nói đến những yếu tố vi lịch sử - lịch sự nhỏ - trong cuộc chiến đó. Điều này sẽ cho phép chúng ta khai thác và kể trên màn ảnh một cách rõ nét hơn.

Điểm thứ hai là tôi nghĩ cái tư duy của các nhà cũng cần phải có một cái độ cập nhật đủ cởi mở nhất định, ít nhất là nắm bắt được thị hiếu tâm lý mong muốn của khán giả của công chúng. Ngày hôm nay, khán giả trẻ họ cần cái gì với đề tài cách mạng. Rõ ràng, họ không quá cần quả những yếu tố mang tính chất sử thi, những cách khái quát, những cái câu chuyện lớn mà họ cần cái cách kể làm thế nào đó để gần gũi hơn với họ. Tôi nghĩ là thay đổi tư duy làm phim cũng là một sự đòi hỏi lớn.

PV: Hiểu được công chúng muốn gì thì cũng là một cách để tạo ra cho tương lai của dòng phim cách mạng trở nên hấp dẫn hơn chiến tranh lịch sử và cách mạng trong cái nhìn bản thể con người hay là tính chất vấn về chiến tranh từ quan điểm hiện đại khơi gợi ở người xem một sự trăn trở về thân phận con người. Có lẽ đây cũng là những yếu tố mới trong phim thay đổi cách tiếp cận. Đôi khi cũng có thể thay đổi cả diện mạo một vấn đề và đó cũng là điều mà chúng ta hy vọng ở những bộ phim cách mạng mang hơi thở của thế kỷ 21.

Xin được cảm ơn nhà phê bình điện ảnh Mai Anh Tuấn!

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: "Đầu tiên người viết kịch bản phải làm sao tìm ra được cách khai thác mới lạ độc đáo, hướng người ta đến cái gì đó mà người ta chưa biết, nhiều khi người ta phải tò mò muốn khám phá. Một trong những nhược điểm của phim chiến tranh cách mạng Việt Nam là chưa có điều kiện để làm đến tận cùng. Đương nhiên mình không nói là cứ hoành tráng bom đạn nó hấp dẫn vì thế nếu làm về số phận con người thì cũng tạo sự hấp dẫn"

Nhà văn- nhà báo Nguyễn Thế Hùng (Báo Công an nhân dân): "Bao giờ cũng phải đi bằng hai chân tài năng và tài chính. Nếu như có một tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư cho một nhóm người viết kịch bản, hoặc viết tiểu thuyết rồi chuyển rồi chuyển thể thành phim cách mạng. Bởi vì chúng ta phải đặt lại vấn đề tại sao trước đây chúng ta làm được? Bây giờ kinh tế tốt hơn, điều kiện tốt hơn chứ. Thời nào cũng có người tài, quan trọng là ai là người nhận ra và trao trách nhiệm cho họ".

Khán giả Trần Hà Trang (Hà Nội): "Em mong là những bộ phim cách mạng sẽ có nhiều phân cảnh nội tâm hơn thì sẽ chạm dễ cạn chạm đến cảm xúc của người xem".

Khán giả Phạm Linh Chi (Hà Nội): "Em nghĩ cách kể chuyện, góc độ mà bộ phim truyền tải rất quan trọng. Đối tượng khán giả bây giờ không còn là những khán giả của thời của “Em bé Hà Nội” hay là “Biệt động Sài Gòn” ngày xưa nữa rồi. Các bạn trẻ như em bây giờ có thể thích những câu chuyện lãng mạn ở đằng sau chiến trường chẳng hạn hay là câu chuyện về gia đình họ. Không cần cảnh cháy nổ quá nhiều nữa mà thay vào đấy là khai thác những cái tuyến chuyện nó mượt mà hơn, nó tình cảm hơn nói về cái cái sự quyết tâm của những sinh viên tình nguyện ngày xưa".

Nghe cuộc trò chuyện tại đây: