Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đây là lần thứ hai, Quốc hội thảo luận toàn thể về dự án Luật này (lần 1 tại kỳ họp thứ 2 tháng 10/2021). Theo đa số đại biểu, đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, liên quan đến các nội dung như chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, phổ biến phim trên không gian mạng, chính sách hậu kiểm, phân loại phim hay câu chuyện hợp tác điện ảnh với nước ngoài...

So với dự thảo lần đầu, sau 4 lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Điện ảnh lần này có thêm nhiều điểm mới, sửa đổi, gồm 8 chương, 50 điều, tăng thêm 6 điều so với dự thảo lần 1.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu cũng như các chuyên gia, người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực quan tâm góp ý là quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã dành 3 điều 42, 43, 44 cho nội dung Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có mục đích hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài.

Ngoài ra, Quỹ này còn cho vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh, cũng như hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại.

Ý kiến phân tích của các đại biểu cho thấy, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh ra đời sẽ lấp những “khoảng trống”, điều mà người làm nghề, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ đang trông đợi. Nó sẽ tạo hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đoàn Vĩnh Long cho rằng: việc thành lập Quỹ này là hết sức cần thiết để thúc đẩy xã hội hóa sản xuất phim. Tuy nhiên, bà Quyên Thanh đề nghị không trích 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim của các Đài truyền hình trong cả nước để bổ sung vào nguồn quỹ này. “Thứ nhất, hiện nay, Luật Ngân sách Nhà nước không có quy định việc bắt buộc các tổ chức, cá nhân đóng góp để hình thành quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Thứ hai, nguồn thu từ quảng cáo trong nhiều chương trình phim truyện hiện nay không bù đắp chi phí sản xuất. Chính vì thế sẽ gia tăng gánh nặng, khó khuyến khích các đài truyền hình trên cả nước tiếp tục sản xuất và nâng cao chất lượng phim Việt để đảm bảo đạt ít nhất 30 % tổng thời lượng phát sóng phim Việt trên truyền hình”- Bà Quyên Thanh giải thích.

Nhất trí vê sự cần thiết của Quỹ nhưng đại biểu Trần Thị Thu Hằng - đoàn Đăk Nông bày tỏ sự băn khoăn về việc đảm bảo nguồn thu. “Cần phân định nguồn thu - chi và mục đích thu - chi với mỗi trường hợp khác nhau. Ví dụ, một số quốc gia quy định thu phí 10% đối với doanh thu tại rạp hoặc chiếu phim ngoài thị trường. Hoặc đối với phim nhà nước đầu tư khi bán bản quyền thì thu 6% để bổ sung vào Quỹ”- Bà Trần Thị Thu Hằng nêu ý kiến.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị không quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo Luật vì một số lý do, trong đó có việc Luật Điện ảnh năm 2006 quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng đến nay, sau 16 năm vẫn chưa thành lập được do không đảm bảo được nguồn thu. Như vậy có khả thi để phải duy trì quỹ hay không? Nếu quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, cần đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, phải có phương án rõ ràng, khả thi về nguồn thu của Quỹ để đảm bảo Quỹ có thể thành lập và hoạt động được.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - đoàn Gia Lai cũng nêu băn khoăn về hiệu quả của Quỹ và đề nghị không đưa Quỹ này vào dự thảo Luật điện ảnh. Ông phân tích: “Ban soạn thảo cũng có nêu về kinh nghiệm của quốc tế về Quỹ này. Tuy nhiên, theo tài liệu của thư viện Quốc hội cho thấy, trong những năm gần đây các nước trên thế giới cũng rất hạn chế thành lập và phát triển Quỹ Hỗ trợ điện ảnh. Thêm nữa, UBTV QH cũng đã có nghị quyết số 729 về một số nhiệm vụ và giải pháp cho các Quỹ tài chính ngoài ngân sách NN, trong đó nêu nhiều bất cập của các Quỹ này chưa được giải quyết mà chúng ta lại tiếp tục thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng chưa thấy khả năng hoạt động hiệu quả của nó thì sẽ khó khả thi”.

Như vậy, qua nhiều ý kiến bàn thảo phân tích của các đại biểu Quốc hội đã cho thấy, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, dù cần thiết nhưng sẽ khó khả thi nếu không được bổ sung thêm các quy định cụ thể hơn.