Cách đây 8 năm, ngày 08/09/2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Không chỉ đem lại giá trị về mặt tinh thần, sự phát triển về văn hoá trong một quốc gia còn tác động tới mọi mặt của xã hội. Đặc biệt góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, như đóng góp vào GDP, hỗ trợ tăng doanh thu từ xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ văn hoá tới an sinh xã hội như tạo công ăn việc làm cho người lao động... Thực tế, nhiều sản phẩm, dịch vụ, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, phát huy sức mạnh mềm về văn hoá trong hội nhập quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, đã hơn 8 năm chúng ta triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhận thấy thay đổi mang tính đột phá. Đó là khi khởi đầu xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thì trong nhận thức xã hội, có rất nhiều người khó chấp nhận rằng văn hóa cũng là một thương phẩm. Hoặc không nhận thức được rằng các ngành công nghiệp văn hóa sẽ là các nhóm ngành khác nhau, có tính liên ngành và tính xuyên ngành hiện nay.

Một sự phát triển mang tính đột phá trong giai đoạn 8 năm vừa qua nữa, đó là: Xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đưa ra mục tiêu là sẽ xây dựng được 3 trung tâm công nghiệp Văn hóa là thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh để tạo ra sự kết nối ba miền và đặc trưng của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tập trung vào các đô thị và các vùng ven.

Năm 2019, Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo ở mảng thiết kế, trong tính liên kết với các ngành công nghiệp văn hóa khác. Tiếp đến năm 2023, có thành phố Đà Lạt gia nhập vào lĩnh vực âm nhạc; thành phố Hội An gia nhập vào lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Các sáng kiến để triển khai các thành phố này đều gắn với các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh ở địa phương và có khả năng kết nối khu vực và quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ khi Chiến lược chính thức đi vào đời sống đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, năm 2018 giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế ước đạt hơn 5,8%, năm 2019 ước đạt 6%. Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm, chỉ còn khoảng trên dưới 4%. Đến năm 2022, các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp bình quân ước đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng - tương đương khoảng 44 tỷ đô la Mỹ).

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thực hiện Chiến lược vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ; Thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn còn tồn tại; Chưa phát huy được sự đóng góp của các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa do cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ; Quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cũng phải nhấn mạnh thực trạng đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững; Bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Hiệu quả thực thi các chính sách và biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế, chưa thúc đẩy năng lực sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa...

Trước thực tế này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, muốn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải là một sự chuyển động mang tính đồng bộ. Các cá nhân, các doanh nghiệp, đặc biệt là những người thực hành sáng tạo về văn hóa trong lĩnh vực của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ phải có một sự thay đổi nhận thức rất rõ ràng, tư duy mang tính đột phá về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, cần phải có quỹ công nghiệp văn hóa để đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa. Cần phải có những cơ chế ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp hoặc những người thực hành về công nghiệp văn hóa. Và phải có sự bảo trợ, hỗ trợ cho các ngành công nghiệp văn hóa và thu hút được những người đầu tư tập trung cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đó chính là con đường để chúng ta có thể chuyển hóa được các tài nguyên văn hóa vô cùng dồi dào, phong phú của Việt Nam cũng như sức trẻ của những người đang hiến thân cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa -PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Có thể thấy, Đảng và Chính phủ đã có những nỗ lực không nhỏ để từng ngày hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cũng như xây dựng môi trường thuận lợi nhất để phát triển công nghiệp văn hoá. Ngoài ra, cũng thấy được sự tham gia nhiệt tình của các cá nhân, tổ chức trong hành trình phát triển lĩnh vực đặc thù này. Để làm sao văn hóa không chỉ thực hiện chức năng xã hội trong nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho con người mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV2 với PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương tại đây: