Căn tính Việt - Giá trị Việt

Rất nhiều những đức tính, phẩm chất hội tụ trong con người Việt Nam chúng ta. Với mỗi một thời điểm, một hoàn cảnh lịch sử sẽ có những phẩm chất có thể coi là nổi trội hơn, dễ nhận diện hơn. Tuy nhiên, tinh thần hòa hiếu, khoan dung, yêu chuộng hòa bình - đó là điều mà bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy ở mỗi người Việt Nam, qua mỗi một thời kỳ.

Sau khi đánh tan quân Minh xâm lược (thế kỷ XV), vì căm tức trước những tội ác dã man mà quân xâm lược đã gây ra, nhiều người khuyên vua Lê Thái Tổ hãy giết hết số quân Minh đã đầu hàng, nhưng nhà vua đã dụ những lời vô cùng nhân đức: “Chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh đến muôn thuở!”.

Vua Quang Trung - sau khi chiến thắng giặc Thanh xâm lược, không những chiêu nạp và nuôi dưỡng tất cả tù binh và tàn binh quân Thanh mà còn cho thu nhặt xác giặc trên các chiến trường chôn cất và lập đàn cúng tế, biểu thị tấm lòng khoan dung, độ lượng của người chiến thắng.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam (năm 1995). Ông đã có những lời nhắn nhủ và khẳng định với nhân dân Mỹ và với cả nhân dân trên toàn thế giới: “Một dân tộc văn minh là dân tộc không bao giờ sống với hận thù. Dân tộc Việt Nam đang làm như vậy!”.

Việt Nam - một dân tộc hòa hiếu và nhân đạo ngay cả với kẻ thù. “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (“Việt Nam quê hương ta” - Nguyễn Đình Thi). Nét đẹp ấy chính là dấu son đậm nét của văn hóa, của truyền thống dân tộc. Và hôm nay, khi bước vào kỷ nguyên mới, nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy tinh thần ấy được thể hiện vô cùng sống động và rõ nét.

"Những phẩm cách, truyền thống quý báu đó chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc, là hành trang quý giá để mỗi người Việt Nam tự tin bước ra thế giới. Điều quan trọng là làm thế nào có thể phát huy tối đa ưu điểm, hạn chế, khắc phục nhược điểm, để từ đó xây dựng tiềm lực lớn mạnh cho đất nước, làm nên địa vị, sức mạnh và uy tín quốc gia". PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

Người Việt Nam mang khát vọng Hòa bình vươn xa

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được xem là một trong những “biểu tượng hòa bình”, là “điểm hẹn hòa bình”… Yêu chuộng hòa bình là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ xưa đến nay, cũng chính là xuất phát từ tinh thần hòa hiếu, khoan dung.

"Tôi hạnh phúc khi thấy hình ảnh về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Những ngày ở Nam Sudan, khi chúng tôi đi trên đường thì các em nhỏ, người già đều hô vang "Việt Nam! Việt Nam!". Rất tự hào và cảm thấy đúng là những đóng góp của mình nhỏ thôi nhưng đã chạm đến trái tim người dân thế nào". Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan xúc động chia sẻ.

Trong thời kỳ mới, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã và đang không ngừng gìn giữ, bồi đắp, phát huy để giá trị thiêng liêng, cao quý đó ngày một thêm tỏa sáng, vững bền. Đó không chỉ để khẳng định uy tín, vị thế của dân tộc mà còn thể hiện khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam.

"Bên cạnh những thành tựu lớn thì chúng ta có một thành tựu có thể nói là vô song - đó là vị thế quốc gia của chúng ta lớn mạnh chưa từng có. Và bây giờ khi mà chúng ta đã chuẩn bị đủ tâm thế, đủ điều kiện, có một cơ đồ vững chắc để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cả dân tộc vươn mình thì sự hòa hiếu, tấm lòng yêu chuộng hòa bình và đoàn kết với các dân tộc trên thế giới sẽ phát huy tác dụng một cách hết sức mạnh mẽ. Đó cũng có thể coi như một sức mạnh mềm giúp chúng ta vươn lên". GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

Có một ngọn lửa luôn thôi thúc, lan tỏa trong mỗi người Việt Nam. Và ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, ngọn lửa ấy cũng có thể được thổi bùng lên mãnh liệt. Đó là tinh thần Việt, là hào khí của non sông. Để nhờ vậy mà mỗi người Việt Nam có thể tự tin vượt qua khó khăn, thách thức, vượt qua chính mình để vươn tới những khát vọng, vươn tới mục tiêu và đạt được những thành tựu vĩ đại, làm rạng danh đất nước…

Nói như nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. HCM. "Đã đến lúc Việt Nam bước ra ánh nắng của thế giới để chiếm lấy vị trí mình xứng đáng có trong cộng đồng các dân tộc toàn cầu. Tôi thấy câu chuyện Việt Nam là rất đáng kể".

Xin mời nghe chương trình tại đây: