Sơn La là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam - miền hoa ban trắng giữa đại ngàn Tây Bắc, bên dòng Sông Đà, Sông Mã thơ mộng. Sơn La có 12 dân tộc anh em chung sống hòa đồng đoàn kết, có nền văn hóa đậm đà bản sắc, nhiều lễ nghi, lễ hội, nghề truyền thống đã và đang được bảo tồn và phát huy; ẩm thực dân tộc phong phú, hấp dẫn.

Sơn La có Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với khí hậu trong lành mát mẻ; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, quy hoạch trên địa bàn hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu với diện tích khoảng 1.500 ha gồm 3 trọng điểm du lịch: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu; Biển hồ Thủy điện Sơn La có diện tích 43.760 km2 với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ tạo thành một quần thể sinh thái có giá trị lớn về du lịch. Miền đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh...

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến Du lịch Sơn La. Nhiều đơn vị lữ hành, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, các khách sạn phải đóng cửa, doanh thu từ du lịch bị giảm sút nhiều, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của tỉnh.

Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 94 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những giải pháp cụ thể. Theo đó, Sơn La phấn đấu trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc; xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế; phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch.

Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025 Mộc Châu được công nhận là khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành khu du lịch quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng để Sơn La cụ thể hóa tiềm năng và phát triển du lịch bền vững.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh tăng cường công tác truyền thông, quảng bá tiềm năng, lợi thế, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt; bản sắc văn hóa dân tộc hấp dẫn đến đông đảo du khách trong và quốc tế, qua đó thu hút du khách đến Sơn La nhiều hơn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân các dân tộc Sơn La, chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi du lịch Sơn La trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La xác định xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn ứng dụng công nghệ cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường là “gốc” và “cốt lõi” trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đây là những lợi thế để Sơn La phát triển du lịch gắn với nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV (2020-2025) xác định phát triển du lịch là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng Đề án phát triển Du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

"Trong năm 2021, trước tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch, tổng lượt khách khách đến Sơn La ước đạt hơn 1 triệu lượt, doanh thu ước đạt 850 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025 tổng lượt khách đạt 5,2 triệu lượt, trong đó 0,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 4.658 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10-20%/năm" - bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.