Chiều ngày 8/4 Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình đối thoại về “sức mạnh mềm văn hóa”. Mục tiêu của chương trình đối thoại này không chỉ là nhận thức được tầm quan trọng của sức mạnh mềm văn hóa, mà còn tạo nên một diễn đàn để cùng chia sẻ kinh nghiệm, xác định các chiến lược cụ thể và đề xuất những giải pháp khả thi nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa.
Phát biểu tại chương trình đối thoại PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam khẳng định: Với bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác sức mạnh mềm văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế. Đặc biệt từ đổi mới Đảng và Nhà nước đã đề cao văn hóa trong phát triển bền vững. Nghị quyết Trung ương 5 (1998) đặt nền móng xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 9 (2014) xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển. Nghị quyết 08 (2017) định hướng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tận dụng tài nguyên văn hóa.

Nước ta có một nguồn tài nguyên về văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên trong quá trình hội nhập và phát triển cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ việc tiếp nhận và bảo vệ sản sắc văn hóa. Nhất là trong cuộc cách mạng 4.0 và truyền thông đẩy nhanh toàn cầu hóa văn hóa nhưng gây khó khăn trong kiểm soát và thích ứng. Chính vì thế, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng cần gia tăng kênh ngoại giao văn hóa; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường truyền thông chiến lược quảng bá hình ảnh, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam; đa dạng hóa các kênh truyền thông trong kỷ nguyên số.

Các quốc gia lớn như Mỹ, Anh và Pháp từ lâu đã khẳng định vị thế của mình thông qua sức mạnh mềm văn hóa. Các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc cũng đang tích cực mở rộng ảnh hưởng văn hóa của mình. Chính vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những thế mạnh để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao vị thế quốc gia, dân tộc.
TS Frédéric Martel, diễn giả trong chương trình đối thoại “sức mạnh mềm văn hóa” đã chỉ ra rằng, Việt Nam tiềm ẩn sức mạnh mềm về văn hóa rất lớn. Đặc biệt là từ những sản phẩm mang đặc trưng rất Việt Nam như ẩm thực, âm nhạc, điện ảnh… Việc cần nhất bây giờ là nên tận dụng những đặc trưng văn hóa độc đáo, kết hợp giữa giá trị truyền thống và hơi thở đương đại, để tạo ra những sản phẩm văn hóa có sức hấp dẫn và lan tỏa trên trường quốc tế…

Việt Nam có tiềm năng rất to lớn để phát triển sức mạnh mềm văn hóa. Tuy nhiên, tại chương trình đối thoại, các diễn giả đều cho rằng cần phải có một chiến lược bài bản, rõ ràng cùng cơ chế hợp tác công tư và sự liên kết chặt chẽ giữ truyền thông, ngoại giao văn hóa.
Từ những chia sẻ, trình bày giá trị và các ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi trong chương trình đối thoại, có thể nhận thức rõ ràng hơn về cách thức mà các quốc gia khác đã thành công trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác và phát huy sức mạnh văn hóa là điều kiện tiên quyết giúp nước ta vượt qua những thách thức đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế.