Câu chuyện “vạ miệng” hay những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực (đặc biệt trên không gian mạng) của giới showbiz không còn là hiếm. Tuy nhiên, chế tài xử lý đối với những vi phạm này còn rất hạn chế, chủ yếu là xử phạt hành chính hoặc thậm chí là… “bỏ đấy”, dẫn tới nhiều vụ việc dù rất nghiêm trọng khiến dư luận ồn ào một thời gian nhưng cuối cùng “đâu vẫn hoàn đó”.
Tại hội nghị tổng kết quản lý thông tin điện tử vừa được tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết, để giải quyết tình trạng này, từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Theo TS Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh, điều này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay vì bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, khi ban hành bộ quy tắc này chưa đi vào thực tế, chưa được truyền thông sâu rộng, chưa được các nhà tổ chức chương trình áp dụng để yêu cầu các nghệ sĩ của mình thực hiện. Chính vì thế, sự vào cuộc của Bộ Thông tin truyền thông triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử là vô cùng cần thiết và rất là phù hợp.
Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thí điểm quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sỹ, nghệ sỹ) vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử (phát tán, lan truyền tin giả, quảng cáo sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục) theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên đài phát thanh truyền hình, trên môi trường mạng (trang tin, mạng xã hội).
TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng cùng với xử phạt hành chính thì đây là một hướng giải quyết mang tính nhân văn và để các nghệ sĩ, người nổi tiếng có cơ hội sửa sai: “Trên thế giới cũng có rất nhiều bài học, có rất nhiều người nghệ sĩ “vạ miệng” rồi có những tai tiếng, thậm chí vi phạm pháp luật, nhưng cuối cùng khi người ta sửa sai, quay trở lại người ta vẫn có được những thành tựu rất là tốt. Chúng ta cũng có thể mở đường cho những người nghệ sĩ nhận thức được để thay đổi mình” - TS Đăng Vũ Cảnh Linh lưu ý.
Để đạt được mục tiêu này, TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, quá trình thí điểm xử lý phải chặt chẽ, hiệu quả và minh bạch, công bằng. “Tôi nghĩ phải có sự vào cuộc sớm xử lý kịp thời có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan truyền thông báo chí. Chúng ta cần phải có sự tham gia của cả công chúng nữa. Những định hướng của công chúng tốt và tích cực giúp cho các nghệ sĩ nhận ra được những sai lầm của mình và họ có thể sửa”.
Những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức của một số nghệ sĩ thường có tác động tiêu cực cho xã hội nhiều hơn những người khác. Bởi, những người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật là đa số người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến một bộ phận khá đông người dân. Chính vì thế công chúng cũng có cái nhìn nghiêm khắc, khắt khe hơn đối với nghệ sĩ và người nổi tiếng. Rõ ràng đã đến lúc người nghệ sĩ cần phải quan tâm đến trách nhiệm xã hội của mình cao hơn nữa, đặc biệt là về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống của cá nhân mình.
Quản lý văn hóa vừa phải nghiêm khắc, có biện pháp chặt chẽ nhưng cũng cần nhân văn bởi mục đích cao nhất của quản lý là phát triển, không phải cấm đoán. Làm thế nào để quản lý vẫn chặt chẽ mà vẫn phát triển, văn nghệ sĩ tuân thủ mà vẫn cảm nhận được sự tự do khi hoạt động, đó mới là điều khó. Chính vì thế, Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả khi vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ và người nổi tiếng phải giữ gìn hình ảnh, danh tiếng của mình.