Tiền khéo dụng nên tiền còn mãi

Đây bảo tàng giữ lại của riêng

Trước tiên nhắn nhủ láng giềng

Sau là báu vật còn nguyên gửi đời

Những câu thơ cũng là tâm niệm của ông Đoàn Văn Đạt, 86 tuổi, chủ hãng bánh đậu xanh Nguyên Hương ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương lý giải về việc đã đầu tư một số tiền khá lớn để xây dựng khu trưng bày bảo tàng gia đình.

Với những trải nghiệm trong suốt cuộc đời mình, ông nhận thấy giá trị của việc lưu giữ những bức ảnh được chụp trong suốt chặng đường làm từ thiện hơn 30 năm qua mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc không gì có thể thay thế được. Hơn nữa, ông nghĩ rằng cái lớn nhất để lại cho con cháu không phải là của cái vật chất mà là “để đức cho con, cho đời”. Đó mới là mục tiêu quan trọng và những điều đau đáu nhất trong ông. Và thế là ý tưởng xây nhà lưu niệm gia đình của ông đã trở thành hiện thực.

“Tôi đã nghĩ rồi, trên đời này muốn để lại cái gì cho đời thì không thể để của cải vật chất được mà chỉ có việc nhân đức, cụ thể là việc thiện thì nó ở bên mình mãi mãi.Tôi làm bảo tàng không phải để khoe mà là với tấm lòng của tôi, những việc làm thiện tâm từ nhỏ đến lớn tôi muốn phơi bày trước tiên để động viên mình, thứ hai là để làm gương cho con cháu sau này dù cuộc sống có giàu có hay trung bình thì cũng phải nghĩ đến làm việc thiện, để nối tiếp đời sau con cháu nó học. Thứ ba nữa là con cháu mình thấy ông bà làm thế thì cảm thấy có trách nhiệm gìn giữ. Và điều nữa là mong muốn thiên hạ người ta cũng làm nhiều việc nhân nghĩa…Tôi nghĩ đây là cách giáo dục khéo nhất”- Ông Đoàn Văn Đạt bộc bạch.

Cũng bởi muốn “trồng cây đức” mà trong không gian hơn 100 mét vuông, ông Đạt trưng bày gần 400 bức ảnh các kích cỡ khác nhau nhưng không có bức nào mang tính chất riêng tư gia đình. Tất cả đều là những hình ảnh ghi lại những bước chân tìm về những nẻo đời kém may mắn ở khắp mọi miền Tổ quốc từ Hà Giang đến Cà Mau. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một cuộc đời. Để rồi, khi tận mắt xem những bức ảnh ấy sẽ có những tác động đến cảm xúc, đến lương tri của mỗi người.

Chị Đoàn Thị Nga, con gái của ông Đạt, chia sẻ rằng, mỗi khi xem lại những bức ảnh này thôi thúc chị làm nhiều việc ý nghĩa hơn: “Từ khi bố tôi có ý định xây nhà bảo tàng thì trong gia đình tôi cùng mẹ và các anh chị em đều rất vui và đồng tình, ủng hộ. Chúng tôi tự hào vì bố mình đã làm được nhiều điều như thế. Đấy cũng là những dấu mốc và những việc thiết thực để chị em chúng tôi nhìn vào, noi gương bố. Sau này mình cũng sẽ tiếp tục làm những việc từ thiện, giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn... Cũng từ nhà bảo tàng mà mình ý thức hơn trong việc lưu giữ lại những hình ảnh quan trọng”.

Trong suốt chiều dài lịch sử, truyền thống văn hóa Việt Nam luôn đề cao các giá trị văn hóa gia đình. Bởi gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, là cơ sở, nền tảng để phát triển xã hội. Và nền nếp gia phong vẫn là một trong những yếu tố cốt lõi để gia đình phát triển bền vững. Trong đó, những việc làm nhân đức của các thế hệ được nối tiếp sẽ là một trong những phương cách để làm đầy thêm truyền thống gia phong, khiến "cây đức" trổ bông, kết trái ngọt.

Những việc làm của ông Đoàn Văn Đạt không chỉ có tác động tích cực đến các thành viên trong gia đình để mỗi người vững vàng hơn trong mỗi bước đường mà còn có sức lay động cả những người xung quanh. “Ông ấy là người tâm huyết làm việc thiện bền bỉ, cho đến nay 86 tuổi rồi vẫn tiếp tục làm. Vì ông ấy làm cho đời nên ông ấy chẳng suy nghĩ cho bản thân nhiều. Mọi người đều kính phục. Ông ấy cũng quan tâm bạn bè chiến hữu và cũng luôn nhớ ơn những người xây dựng nên cái nghề, ông là người tâm huyết với đời, rất quý” - Ông Nguyễn Xuân Hào, một người bạn gắn bó lâu năm rất khâm phục những việc làm của ông Đoàn Văn Đạt.

Không chỉ bạn già mà cả những người trẻ cũng tỏ lòng ngưỡng mộ với những việc làm của ông Đạt. Đến thăm và tận mắt xem những bức ảnh được trưng bày ở bảo tàng gia đình của ông Đạt, anh Nguyễn Trung Kiên, một doanh nhân ở Hải Dương cảm nhận được nhiều điều: “Tôi là một người Hải Dương, bánh đậu xanh Nguyên Hương thì bạn bè tôi từ khắp thế giới như Úc, Mỹ, châu Âu đều biết hết. Và hơn nữa mọi người đều biết ông Đoàn Văn Đạt hay làm từ thiện. Tôi thấy ông làm bảo tàng này rất ý nghĩa, tôi cảm phục và thấy quy mô bảo tàng rất đủ đầy. Tôi cũng muốn học hỏi thế hệ đi trước để lưu giữ những cái hay cái đẹp. Từ bảo tàng này cũng gợi ý cho tôi là nên gìn giữ những kỷ niệm đẹp của gia đình mình”.

Bảo tàng gia đình của ông Đoàn Văn Đạt không có những đồ vật quý hiếm hay có giá trị cao về vật chất, nhưng ở đó lại chứa đựng những thứ vô giá, đó là lòng thiện nhân được truyền lưu và lan tỏa.

Tất nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để lưu giữ và trưng bày với một bảo tàng lớn như gia đình ông Đoàn Văn Đạt. Nhưng có lẽ sẽ có rất nhiều cách để chúng ta lưu giữ và phát huy giá trị của những kỷ vật, kỷ niệm của gia đình. Điều quan trọng là nhận ra những giá trị khó đong đếm của chúng để có ý thức lưu giữ cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình mình.

Kỷ vật gia đình có thể chỉ là một đồ vật nào đó nhưng có giá trị hết sức thiêng liêng, nó trở thành sợi dây vô hình nối liền các thế hệ một cách bền chặt, khiến các thành viên trong gia đình cảm thấy an toàn - dù ngoài kia có phong ba bão táp.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh dưới đây: