​Dù ai đi ngược về xuôi...

Không biết từ bao đời nay, những ngày Tháng Ba âm lịch hàng năm bao giờ cũng là những thời khắc thiêng liêng đối với cộng đồng người Việt Nam dù ở trong nước hay sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Tất cả đều được kết nối từ một ngày Quốc Giỗ, đều có chung một "cõi thiêng" là Đền Hùng. Cả dân tộc hướng về nguồn cội tưởng nhớ, biết ơn các bậc tiền nhân đã sinh thành giống nòi, đã có công khai mở bờ cõi.

Có một điều rất đáng tự hào là nhân dân Việt Nam ta, từ cụ già tới em thơ, nhắc tới các vua Hùng thì ai ai cũng biết dù đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Điều đáng nói hơn nữa là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành một bản sắc văn hóa của người Việt Nam cả trong nước và đang sinh sống ở nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 2007, Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức trở thành Quốc lễ, được tổ chức trọng thể hàng năm trên cả nước và từ năm 2015 Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được tổ chức ở các quốc gia có cộng đồng người Việt sinh sống.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Hương, Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện tâm thức hướng về nguồn cội, tôn vinh cội nguồn dân tộc, khẳng định truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", gắn kết và lan tỏa giá trị nguồn cội.

"Tín ngưỡng Hùng Vương có cội nguồn là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc trước khi trở thành Quốc Tổ, là một phần quan trọng trong đời sống văn hoá và tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng mang giá trị sâu nặng về tình cảm, sự biết ơn đối với tổ tiên và lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Tín ngưỡng trở thành đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phản ánh đặc trưng bản sắc văn hoá dân tộc, là nét đẹp truyền thống trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Những giá trị đó tạo thành dòng chảy của ý thức, tình cảm và trách nhiệm luôn hướng về nguồn cội. Việc thực hành nghi lễ thờ cúng và tổ chức Lễ hội Đền Hùng không chỉ mang ý nghĩa giáo dục đối với các thế hệ, mà còn là dịp để tôn vinh, quảng bá các giá trị lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam ra thế giới".

Bước ra từ truyền thuyết, hình ảnh Vua Hùng không chỉ có trong những trang cổ tích, những câu ca dao, những làn điệu dân ca, trong không gian văn hóa làng xã, di tích lịch sử… mà còn hiện hữu trong mỗi trái tim người Việt. Hơn thế tín ngưỡng Hùng Vương còn chứa đựng tinh thần yêu nước, sự kết nối cộng đồng.

Tín ngưỡng Hùng Vương thể hiện niềm tin, được hiểu như là “một ký ức tập thể” của người Việt về các vua Hùng đã cùng nhau dựng lên nhà nước Văn Lang, dựng lên hình hài đất nước. Đó cũng khẳng định niềm tin người Việt có chung một nguồn gốc về thuỷ tổ của mình, là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh đoàn kết, tạo nên truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Thực tiễn của hàng ngàn năm lịch sử đã minh chứng, đối với người Việt Nam ta, tổ tông và nguồn cội là điều vô cùng linh thiêng. Bởi thế, bên cạnh việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thì những hoạt động thờ cúng tổ tiên nói chung có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ. Để rồi đến ngày giỗ họ, giỗ chi hay lễ thanh minh tảo mộ, dịp Quốc giỗ... thì "dù ai đi ngược về xuôi", chẳng cần nhắc vẫn tự tìm về như một nhu cầu tự thân hướng về nguồn cội.

​​​​​Tín ngưỡng Hùng Vương: Từ tâm thức tới nét đẹp di sản văn hóa

Theo các nhà nghiên cứu, cả nước hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Riêng tỉnh Phú Thọ có đến 183 di tích thờ cúng Hùng Vương. Trong đó Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ có ý nghĩa quan trọng nhất trong thực hành tín ngưỡng.

Ngoài hệ thống di tích và địa điểm thờ cúng, còn có Lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Khu Di tích Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ. Việc tổ chức lễ hội góp phần nhen thêm tinh thần tự hào dân tộc, khắc sâu vào tâm thức biết ơn tổ tiên. Lễ hội đã trở thành một mỹ tục, một biểu tượng văn hoá tâm linh – là điểm hội tụ của tình đoàn kết cộng đồng, cùng hướng về nguồn cội.

Dù cách thức thể hiện tín ngưỡng có thể khác nhau nhưng đều có một điểm chung trong tâm thức người Việt, đó là triết lý “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Chính tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn và tự hào đó đã tạo thành điểm tựa gắn kết cộng đồng cộng đồng người Việt Nam. Giá trị văn hoá trường tồn đó của người Việt - là điều duy nhất mà các thế lực đô hộ không thể xoá bỏ được.

Cùng với lễ hội Đền Hùng, hàng năm cả nước chúng ta có hàng trăm lễ hội truyền thống tại các cộng đồng thôn, làng. Bên cạnh đó còn có “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới, như một lời nhắc nhớ con cháu dù sống xa đất nước nhưng không bao giờ quên nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, mà còn đối với bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.

Từ những giá trị đặc biệt mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn được bảo tồn và lan toả và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012.

Tâm thức hướng về nguồn cội mà biểu hiện sâu xa nhất chính là lòng biết ơn với các bậc tiền nhân. Lòng biết ơn ấy phải xuất phát từ tình cảm, từ ý thức ghi nhớ công ơn của những người tạo ra thành quả phục vụ cuộc sống của chúng ta, đó chính là “nhớ nguồn”, là đạo lý làm người tất yếu mà mỗi người cần có.

Lan tỏa những giá trị nguồn cội

Để tiếp nối truyền thống tốt đẹp biết ơn nguồn cội thiết thực nhất chính là thể hiện bằng những việc làm, hành động cụ thể. Cùng với việc thực hành tín ngưỡng Hùng Vương, để lan toả giá trị nguồn cội cũng có nhiều cách khác song hành. Ví dụ ở trong mỗi gia đình việc trân trọng thờ cúng tổ tiên, thực hành tảo mộ những dịp thanh minh hay tổ chức những cuộc tề tựu trong ngày giỗ họ, giỗ chi, giỗ ông bà, cha mẹ... cũng chính là hành động cụ thể để hướng về tri ân nguồn cội.

Mỗi người biết sống thiện lương, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng, hiếu kính với bề trên, tạo dựng, duy trì và tiếp nối truyền thống nền nếp gia phong trong mỗi gia đình cũng là một cách hướng về nguồn cội một cách thiết thực nhất. Lòng biết ơn giúp ta gắn bó hơn với những người đi trước, trân trọng những thành quả và công sức của tiền nhân, gần gũi hơn với tập thể… và từ đó sẽ tạo nên một xã hội đoàn kết, thân ái hơn giữa mọi người.

“Có đại thi hào đã nói “Tổ quốc chính là điểm mà trái tim chúng ta được buộc vào”. Sự thể hiện tâm thức hướng về nguồn cội chính là lòng biết ơn các bậc tiền nhân, lòng tự hào về truyền thống bản sắc của dân tộc. Không những thế, lòng biết ơn là chất keo gắn kết các thế hệ, là nền tảng của một cộng đồng đoàn kết, thân ái. Tự hào và phát huy truyền thống dân tộc, thế hệ trẻ hôm nay phải có trách nhiệm kế thừa, sáng tạo những giá trị mới để phát triển bền vững đất nước”, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Hương nhấn mạnh.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn trường tồn trong lòng người và trong lòng dân tộc Việt Nam. Đó là thể hiện sinh động nhất về niềm tự hào được sinh ra từ một nguồn cội. Thành tâm hướng về nguồn cội, mỗi chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm cá nhân với cội nguồn lịch sử; gắn bó sâu nặng với quê hương, Tổ quốc mình.

Những giá trị tinh thần vô giá đó cần được chuyển hoá thành những hành động, việc làm cụ thể của mỗi người trong cuộc sống hôm nay, tạo nguồn lực, sức mạnh mới để sớm hiện thực hoá khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.