Tình cảm anh chị em trong gia đình được nhắc đến nhiều trong ca dao, tục ngữ Việt Nam. Từ xưa tới nay, đây là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý để nuôi dưỡng tinh thần cho mỗi người. Dù không nhìn thấy được, không sờ chạm được nhưng sợi dây tình thân từ trong huyết quản gắn kết những người trong gia đình, họ tộc lại với nhau, để rồi từ đó tạo nên những gắn kết quan trọng của mỗi người với quê hương đất nước.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học cho rằng dù ở thời nào thì tình thân cũng luôn được nhắc đến với những gì thân thương nhất, đó cũng chính là chỗ dựa vững chắc của mỗi người. “Tế bào gia đình ấy là một sự cấu kết từ khi chúng ta sinh ra cho đến khi qua đời. Nó là sự gắn bó máu thịt thiêng liêng và linh thiêng của gia đình. Gia đình, tình thân chính là ở chỗ có tình có nghĩa, tạo nên sự sâu lắng, tạo nên căn bản của tính người”.

Tình thân giữa anh chị em không chỉ là sự gắn bó về mặt huyết thống, mà còn là nền tảng cho sự hòa thuận và hạnh phúc trong gia đình và rộng ra là sự gắn bó họ tộc, làng xã. Sự cố kết ấy đã khiến người Việt luôn sống có tình, có nghĩa, "trọng chữ tình". Bởi vậy sẽ không quá để nói đó là phẩm chất, truyền thống xưa nay của người Việt.

“Dân tộc nào và đất nước nào đều trọng tình trọng nghĩa. Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì do lao động lúa nước và làng xã, sự cố kết cả nghìn đời cho nên tính chất gia đình và việc đề cao tình nghĩa đặc biệt quan trọng. Những cách nghĩ về tình, nghĩa đấy nhiều khi thành một tập tục, thành một truyền thống rất đẹp, rất có ý nghĩa, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình". Tất nhiên trong xã hội hiện đại thì điều này cần phải điều chỉnh vì có những phương diện thuộc về pháp luật”, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn khẳng định.

"Mỗi người cần phải trân trọng và lan tỏa những giá trị gia đình tốt đẹp đó, bởi việc yêu thương và trân quý tình thân cũng chính là bảo tồn và kế thừa những giá trị tốt đẹp trong gia đình. Sự ràng buộc về kinh tế trong xã hội hiện đại không còn nhiều như ngày xưa nữa nhưng cái quan trọng là sự bền chặt của giá trị tinh thần. Cho nên dù là đi đâu, dù là công việc khác nhau nhưng gia đình luôn là chỗ dựa, là "tổ ấm" với người Việt. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến hay giỗ chạp đều thể hiện rõ việc gắn kết của huyết thống".

Tuy nhiên, có một thực tế phải nhìn nhận là đã có không ít người chỉ vì tiền tài, lợi ích mà quên đi tình thân khiến cho không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra. “Trước hết gia đình phải nuôi dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Bởi đây là giai đoạn quan trọng để hình thành nhân cách, tính cách một con người. Bên cạnh đó là trách nhiệm của nhà trường, xã hội chứ không phải chỉ riêng gia đình. Thực tế nó nảy sinh những thách thức mới trong xã hội hiện đại, vì thế cần một biện pháp tổng thể, cần sự chung tay của toàn xã hội để các giá trị gia đình luôn bền vững cùng thời gian”, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn lưu ý.

Tình thân là một thứ tình cảm đặc biệt. Tuy nhiên, cũng như mọi mối quan hệ khác, nó cần được vun đắp, xây dựng để có thể bền vững và ấm áp. Vun đắp cho tình thân vừa là hạnh phúc riêng của mỗi người vừa góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc cũng như giúp cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Xin mời nghe bài viết tại đây: