Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo tự là Chất Phu, thụy Đôn Nhã, sinh năm 1651 mất năm 1719, tại xã Hoài Bão (có tục danh là làng Bịu), tổng Nội Duệ (nay là thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh. Ông là con trai thứ hai của Tiến sĩ Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Đăng Minh, em Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân và cháu Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo.

Sinh trưởng trong dòng họ Nguyễn Đăng - một dòng họ nổi tiếng khoa bảng và hiển đạt ở vùng Kinh Bắc, nhiều đời đều có người đỗ đạt làm quan to trong triều nên Nguyễn Đăng Đạo đã được dạy dỗ rất cẩn thận. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là thần đồng, học một, hiểu mười. Năm 16 tuổi Nguyễn Đăng Đạo đi thi và đỗ tam trường. Năm 19 tuổi lại đỗ đầu hương cống (cử nhân), được triều đình cho vào học tại Quốc Tử Giám. Năm Chính Hòa thứ 4 (Quý Hợi, 1683) ông thi đình và đỗ trạng nguyên lúc đó 33 tuổi.

PGS.TS Nguyễn Thị Huế, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng chính truyền thống của một dòng họ khoa bảng đã hun đúc nên tài năng cho Nguyễn Đăng Đạo. "Ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ bố, đặc biệt là người bác của mình là Nguyễn Đăng Cảo. Từ nhỏ Nguyễn Đăng Đạo đã nổi tiếng thông minh. Có một giai thoại là năm ông đi thi, ông rất quyết tâm để đỗ đạt. Trước ngày đi thi thì ông có vào chùa Trấn Vũ để lễ chùa cho mình thi cử hanh thông, sau đó ngủ đêm tại đấy luôn. Trong giấc ngủ, ông mơ thấy một thần nhân nói rằng khoa thi này ông chưa đỗ được. Ông tỉnh dậy và trước khi ra về đã đề hai câu thơ lên tường của chùa “Thần nhân bất thức nhân gia sự/ Ngã thị tư khoa trúng trạng nguyên”. (Nghĩa là “Thần đâu biết được việc người/ Khoa này ta đỗ, đỗ thời trạng nguyên”). Câu thơ đấy nói lên ý chí nhân định thắng thiên của Nguyễn Đăng Đạo và khoa thi năm ấy ông đỗ trạng nguyên".

Bằng tài năng của mình, Nguyễn Đăng Đạo thăng tiến nhanh chóng, qua mấy năm đã được bổ nhiệm vào Lại bộ thị lang, năm 1689 thăng lên làm Đô ngự sử. Sau này, Đăng Đạo được triều đình giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng, từ Binh bộ Thượng thư rồi lên tới chức quan cao nhất là Tể tướng đời nhà Hậu Lê.

Tên tuổi Nguyễn Đăng Đạo còn gắn với chuyến đi sứ năm 1697. Chuyến đi sứ này, ông lãnh sứ mệnh dẫn đầu đoàn sứ bộ đến nhà Thanh nhằm giải quyết tranh chấp vùng đất ở hai động Tuyên Quang và Hưng Hóa. Đây là việc rất khó khăn, nhưng Nguyễn Đăng Đạo đã đưa ra những lập luận không thể chối cãi và yêu cầu nhà Thanh trả lại các vùng đất cho Đại Việt. Chính trong chuyến đi này vua Khang Hy ban tặng Nguyễn Đăng Đạo là Trạng nguyên thứ nhất của Bắc triều. Sau này tới năm 1728, nhà Thanh phải trả lại những vùng đất lấn chiếm trước đó, trong đó có mỏ đồng Tụ Long.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, cuộc đi sứ của Nguyễn Đăng Đạo dù chưa thu hồi lại được đất bị xâm chiếm ngay nhưng đã phând nào khẳng định tài năng của sứ thần nước Nam trong cuộc thương lượng đòi lại đất cho vua nước Nam. "Sử chép rất rõ, trước kia 3 động Lưu Dương, Hồ Điệp và Phổ Viên thuộc châu Vị Xuyên, xứ Tuyên Quang bị thổ ty phủ Khai Hóa nhà Thanh xâm chiếm, do đó nhiệm vụ của sứ vụ Nguyễn Đăng Đạo là làm thế nào để thu hồi lại đất bị nhà Thanh lấn chiếm. Lúc bàn luận Nguyễn Đăng Đạo cố bẻ bác bàn cãi, lý lẽ đấu tranh sắc sảo, tuy vậy vẫn chưa giải quyết được. Việc đòi lại đất không thành nhưng Nguyễn Đăng Đạo đã khiến đối phương phải khâm phục".

Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Đăng Đạo đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình từ Bồi tụng, Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Hữu Thị lang, Ngự sử đài Đô ngự sử, Binh bộ Thượng thư sau được thăng Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên. Ông cũng hai lần được giữ chức Tri Cống cử trông coi tuyển dụng nhân tài cho đất nước ở kỳ thi Hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Huế, thì dù ở cương vị nào Nguyễn Đăng Đạo cũng là một vị quan thanh liêm, chính trực. "Có một giai thoại là khi các quan vào triều chầu vua thì bao giờ cũng phải mặc lễ phục rất là nghiêm chỉnh. Sau đó, hết buổi chầu các quan sẽ cởi lễ phục ra và mặc quần áo bình thường để sang bên phủ chúa. Điều đó đã khiến chúa Trịnh không bằng lòng, muốn các quan phải mặc triều phục như thế để sang bên phủ chúa. Chính Nguyễn Đăng Đạo đã nói với chúa Trịnh “Mũ áo triều đình ban cho là để chầu thiên tử, nay nhà chúa cũng muốn trăm quan làm như thế e thiên hạ sẽ dị nghị là trái với đạo vua tôi”. Trịnh Căn đã phải khen Nguyễn Đăng Đạo là trung thực".

Di sản lớn nhất của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo để lại cho đời sau chính là tư tưởng làm quan giỏi để giúp đời, giúp nước. Theo Nguyễn Đăng Đạo muốn giúp dân giúp nước có tâm thôi chưa đủ, phải là vị quan giỏi có đủ tài, đức. Dân làng Hoài Bão vẫn truyền nhau câu chuyện triều đình ban cho Nguyễn Đăng Đạo khu ruộng lộc nhưng tính liêm khiết ông từ chối. Vua kiên quyết ban thưởng, Nguyễn Đăng Đạo xin lĩnh và cho các gia đình nghèo khó cày cấy và sau chia hẳn cho các gia đình này. Có năm mất mùa nhân dân đói khổ, ông viết thư cho phu nhân đem tiền thóc của nhà ra cứu đói.

Sau 35 năm phụng sự cho triều Lê Trung Hưng, Nguyễn Đăng Đạo xin về trí sĩ. Ông mất năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) thọ 69 tuổi. Khi mất, ông được phong tặng Lại bộ Thượng thư, tước Thọ Quận công, đồng thời được sắc phong làm Phúc thần phối thờ ở đình làng Hoài Bão.

Đến nay, tại nhà thờ Nguyễn Đăng Đạo ở quê nhà vẫn còn đôi câu đối ca ngợi công đức của ông “Đỗ Tiến sĩ làm Thượng thư, thế gian có nhiều/Đỗ Trạng nguyên làm đến Tể tướng thì hiếm có”.

Mời nghe âm thanh tại đây: