Giải Thiếu nhi Dế Mèn là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo Thể thao và Văn hóa sáng lập từ năm 2020 nhằm trao cho các sáng tác - trình diễn nghệ thuật "vì" thiếu nhi hoặc "của" thiếu nhi trong khoảng thời gian từ quý II năm trước đến tháng 5 năm trao giải.

Mới chỉ 3 năm tồn tại, giải thưởng mang tên Dế Mèn đã tạo được dấu ấn nhất định, với mục tiêu tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật, giải trí xuất sắc “của thiếu nhi” hoặc “vì thiếu nhi”.

So với 2 mùa giải trước, năm nay số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn, nhưng vẫn phong phú về thể loại, tạo nên một bức tranh chung về văn học nghệ thuật “của thiếu nhi”, “vì thiếu nhi”.

Bên cạnh những tác giả đã thành danh, ở mùa giải năm nay, đáng chú ý là một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có những em còn tham gia cùng người lớn trong vai trò là họa sĩ minh họa các cuốn sách tranh hoặc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em viết truyện trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi vừa qua. Giải thưởng cũng thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.

Sau 3 vòng chấm, BGK gồm nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng, các thành viên gồm PGS-TS Ngô Văn Giá, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ “Thần đồng Đất Việt” Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, đã bỏ phiếu để chọn Top 8 tác phẩm vào vòng Chung kết chấm điểm.

“8 tác phẩm lọt vào vòng Chung kết - chấm điểm là những gì xuất sắc nhất của thiếu nhi và vì thiếu nhi trong thời gian qua. Tác giả đoạt giải trong số này xứng đáng là những gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật thiếu nhi nước nhà, trong đó thấp thoáng có gương mặt của thần đồng” - Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa Lê Xuân Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết, thời chiến tranh chống Mỹ khi xưa - giai đoạn hoàng kim của những sáng tác dành cho thiếu nhi. Như lời ông, đây là thời kỳ gắn với sự tồn tại của một đội ngũ sáng tác đa dạng và xuất sắc, còn những tác phẩm dành cho thiếu nhi vẫn được coi là mãi là phần tươi thắm, trẻ trung và đáng nhớ nhất của rất nhiều cây bút khác nhau.

“Thiếu nhi ở đâu cũng được yêu mến. Tại Việt Nam, tình cảm ấy lại càng nhiều. Nhưng viết cho trẻ em không đơn giản. Chẳng hạn, bây giờ, chúng ta không thể tìm thấy ngay một đội ngũ đông đảo những tác giả nhí tự viết cho chính mình, kể về thế giới của chính mình như ngày xưa” - nhà thơ chia sẻ - “Trẻ con luôn cần món ăn tinh thần cho các em và tôi đánh giá rất cao tinh thần của báo Thể thao & Văn hóa khi đã huy động sáng tác từ người lớn đến trẻ nhỏ cho thể loại, đề tài này”.

Nhiều thành viên Hội đồng giám khảo đã nhắc tới một tín hiệu vui của năm nay, khi giải thưởng thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam, như Sách tranh Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển) do Kim Ngọc dịch và 2 cuốn truyện dài Emma thảm họa và Biệt đội thám tử của Quyên Gavoye, một chuyên gia người Việt đang sống tại Pháp.

bietdoim.jpg

Kết quả, năm nay không có Giải thưởng Lớn Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight); có 5 giải Khát vọng Dế Mèn được trao cho 5 tác phẩm, chùm tác phẩm trong top 8. Bên cạnh đó, chương trình đấu giá nghệ thuật cũng thu về hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất cho điểm trường Huổi Khoang (xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La).