Triển lãm giới thiệu gần 40 bức tranh và nhiều sản phẩm thủ công ứng dụng cùng các hoạt động trình diễn, trải nghiệm tương tác phục vụ khách tham quan, qua đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp về nghị lực sống, nỗ lực vượt khó, vươn lên của những người yếu thế trong xã hội.

Phát biểu tại triển lãm, ông Đặng Minh Vệ, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội đánh giá cao ý tưởng và những sản phẩm của Vụn Art. Từ những mảnh vải lụa vụn là phế thải và không có khả năng tái chế, những người khuyết tật sử dụng nó làm nên những bức tranh, cách thể hiện, chọn màu lụa tài tình, nhìn từ xa không thể biết đó là lụa ghép. Từ đây đã tạo ra một thể loại chất liệu tranh hoàn toàn mới: tranh ghép bằng lụa vụn và những sản phẩm quà lưu niệm, đồ dùng hằng ngày rất tinh tế và đẹp mắt. Đặc biệt ý nghĩa hơn cả là Vụn Art đã tạo việc làm cho 32 người khuyết tật có thu nhập ổn định và đủ nuôi sống bản thân, một phần giúp đỡ gia đình. Triển lãm góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, khơi gợi tư duy sáng tạo, sáng tác nghệ thuật của công chúng, góp phần giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật và tận dụng, tiết kiệm các nguyên liệu trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường.

Theo ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art, các bức tranh của Vụn Art được ghép lại từ những mảnh vụn thu nhặt sau quá trình sản xuất hàng hóa của làng nghề lụa Vạn Phúc - nơi Hợp tác xã đặt trụ sở. Những bức tranh ghép vải là một loại hình nghệ thuật mới, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, con mắt nghệ thuật tinh tế và khả năng phối hợp ngẫu hứng với những mảnh lụa nhiều màu sắc.

Chị Trần Thùy Giang, nhà thiết kế của Vụn Art cho biết, đa số đề tài của Vụn Art có nội dung của dòng tranh dân gian truyền thống như: tranh dân gian Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng… bởi dòng tranh dân gian chưa được khai thác nhiều và đang có dấu hiệu bị lãng quên do vẫn đơn thuần chỉ là những bức tranh. Chính vì vậy, Vụn Art đã ứng dụng các dòng tranh dân gian truyền thống lên các sản phẩm, quà tặng để tăng tính hiệu quả của sản phẩm, mang những bức tranh đến gần hơn với mọi người trong cuộc sống thường ngày. Bên cạnh đó, là những sáng tạo về cảnh đẹp đồng quê, danh lam thắng cảnh, chân dung danh nhân hay các tác phẩm tranh nổi tiếng của họa sĩ thế giới. “Những mảnh vụn” từ lụa bỏ đi khi qua tay người thợ như được thổi hồn, trở nên sống động, đẹp mắt đã và đang là niềm tự hào của tập thể Vụn Art.

Tại triển lãm, em Nguyễn Thị Thùy Linh, thành viên của Hợp tác xã Vụn Art chia sẻ: "Từng là giáo viên mầm non nhưng do gặp biến cố trong cuộc sống, em đã phải nằm trên giường 4 năm, phải nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ nên rất khủng hoảng, chán nản. Tình cờ biết đến Vụn Art qua một kênh truyền thông nên đã ra xin việc ở Hợp tác xã để đỡ gánh nặng cho bố mẹ và có tiền nuôi con nhỏ. Khi vào làm thì thấy nhiều người có hoàn cảnh như mình, thậm chí còn khó khăn hơn mình nên em đã tự tin hơn, quyết tâm học nghề vừa để có công ăn việc làm ổn định, vừa có tiền phụ giúp gia đình và cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi tháng, thu nhập của em khoảng 5 triệu đồng".

Sau khi tham quan triển lãm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cảm thấy xúc động và trân trọng những nỗ lực cũng như thành quả của các thành viên Hợp tác xã Vụn Art. "Tới đây, được nghe những câu chuyện truyền cảm hứng và được gặp những con người vượt lên nghịch cảnh để hòa nhập với cuộc sống đem đến cho tôi nguồn năng lượng tích cực. Nhiều người cho rằng những người khuyết tật thường mặc cảm, tự ti và không làm được gì "ra hồn" thì đó là sai lầm. Tôi thấy những sản phẩm thủ công trưng bày tại triển lãm vô cùng đẹp mắt, tinh xảo, màu sắc được phối rất hợp lý. Điều này cho thấy người khuyết tật có thể bị khiếm khuyết 1 phần cơ thể nhưng tâm hồn, nghị lực của họ đáng để mọi người trân trọng".

Trong khuôn khổ triển lãm còn có các hoạt động trình diễn và trải nghiệm tương tác phục vụ khách tham quan: khách được hướng dẫn để tự mình làm sản phẩm, quà tặng từ lụa vụn. Từ đó kích thích tính sáng tạo, cần cù trong lao động sản xuất và ý thức trong bảo vệ môi trường.

Hợp tác xã Vụn Art thành lập năm 2017 do anh Lê Việt Cường – người khuyết tật vận động sáng lập. Vụn Art ra đời với mong muốn giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã Vụn Art đã đạt danh hiệu Top 4 Hàng Việt Nam được Người tiêu dùng yêu thích năm 2018; Giấy chứng nhận OCOP 4 sao và đạt giải Nhì cuộc thi SDG CHALLENGE 2019 – Cuộc thi khởi nghiệp về giải pháp cho người khuyết tật tại Việt Nam năm 2019; Giấy chứng nhận Sản phẩm tiêu biểu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2020. Năm 2022, Vụn Art đã góp mặt trong 460 gian hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước tham gia Hội chợ Quốc tế Quà tặng Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội 2022; lọt Top 6 chung kết bảng Giải pháp cộng đồng của cuộc thi Viet Solutions 2022 với giải pháp: Bộ sản phẩm kit ghép lụa cho học sinh sinh viên.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Triển lãm “Những mảnh vụn” kéo dài đến tháng 10/2023 tại tầng 1, Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.