Theo những người lớn tuổi sống ở gần đây, chùa Địa Tạng Phi Lai sở dĩ còn có tên gọi “chùa Đùng” vì trước đây chùa rất to, lên đến hơn 100 gian, chữ “Đùng” mang ý nghĩa là “ngôi chùa to đùng”. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 11 dưới thời nhà Lý. Đã có khoảng thời gian vua Trần Nghệ Tông chọn Chùa Đùng làm nơi ở ẩn, vua Tự Đức cũng từng chọn nơi này để đến cầu tự.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã có lúc Chùa Đùng bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng. Đến năm 2015, Đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận chùa, tu bổ, tôn tạo, xây dựng lại và đổi tên thành chùa Địa Tạng Phi Lai, nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này.

Đại đức Thích Minh Quang cho biết, công lao xây dựng chùa là của tất cả người dân, con nhang đệ tử chứ không phải của mình ông. “Khi cuốc nhát cuốc đầu tiên để động thổ xây lại chùa này thì có phát nguyện rằng, từ khi con cuốc nhát cuốc này, những ai đã từng làm sư làm sãi ở đây, hay làm bà vãi chắp tác nơi này, làm cô hồn từng ăn một vắt cháo nơi đây, hay làm con thú đã từng nương náu nơi này, đều quay trở lại đây để góp sức xây chùa. Chùa này không phải dành riêng cho một cá nhân hay tập thể nào có thể xây được”, Đại đức Thích Minh Quang nói.

Ngày nay, chùa Địa Tạng Phi Lai nằm ở vị trí đắc địa trên một quả đồi, có thế tựa lưng vào núi, phía sau là đồi thông xanh rì rào, phía trước là ruộng lúa mênh mông, tách biệt hẳn với khu dân cư nên vô cùng tĩnh lặng. Từ xa xa bước đến chùa, bạn đã có thể nghe thấy tiếng nhạc lanh canh từ những chiếc chuông gió treo khắp nơi trong chùa, nghe rất vui tai mà cũng cảm thấy tâm hồn thư thái.

Ngay ở bậc cầu thang lên chùa, hai bên có 2 pho tượng lớn tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ. Trong chùa lưu giữ nhiều cổ vật quí thiêng liêng, từng cổ vật ẩn chứa những bí mật lịch sử nghìn năm trước của thời đại Lý – Trần.

Du khách lần đầu đến thăm chùa sẽ không khỏi bất ngờ vì phần sân dẫn vào chùa được trải sỏi màu trắng thay vì lát gạch đỏ như những ngôi chùa khác. Sân chùa có những khu vực được gọi là “khổ hải” tức là “biển khổ” cũng rải sỏi trắng, bạn hãy lưu ý không được bước chân xuống phần “biển” màu trắng mà phải bước trên các viên gạch đen được nhà chùa đặt sẵn.

Ngay trước khu Tổ đường, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người, thể hiện sự liên kết, mối liên hệ nhân quả và những sóng gió, phong ba, bão táp mà mỗi người phải trải qua trong một kiếp người. Tạo hình 12 vòng tròn hòa quyện trông rất đẹp mắt, là điểm nhấn của bãi sỏi trắng, khiến không gian trước sân chùa trở nên thi vị hơn rất nhiều.

Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định. Dạo trong khuôn viên chùa, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến cho lòng người trở nên thanh thoát. Màu trắng của sỏi kết hợp với màu nâu của những kết cấu cột gỗ, màu vàng của những bức tường tạo nên tổng thể kiến trúc rất đẹp. Nhiều du khách muốn lưu lại những bức ảnh check-in nơi bãi sỏi trắng.

Cảnh quan của chùa rất đa dạng, trong khuôn viên có rất nhiều bãi cỏ có đặt bàn ghế cho du khách ngồi nghỉ chân. Đây là ý đồ ban đầu của Đại đức Thích Minh Quang và những người tu bổ, tôn tạo chùa: “Khi tạo dựng nên chùa này thì có những sân chơi, có những bãi dành cho gia đình Phật tử có thể nhóm bếp củi luộc những nồi ngô, khoai để hồi ức cùng với nhau”.

Giống như bố cục của các ngôi chùa truyền thống, lớn nhất là tòa Tam Bảo. Tượng Đức Địa Tạng, vị thiền sư giám hộ của chùa, được đặt chính giữa, hiện lên với vẻ mặt hiền từ, thoát tục nhưng cũng toát lên vẻ uy nghiêm của một bậc chân tu đại sư. Bên phải tòa Tam bảo là nhà thờ Tổ, nơi thờ 42 vị tổ sư từng trụ trì tại chùa Địa Tạng Phi Lai.

Ngoài ra còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Ông và Đức Thánh Hiền. Trong chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật linh thiêng phát lộ tự nhiên, tìm thấy trong quá trình xây dựng chùa như: tượng hình chim Garuda, ngói mũi hài, chân tảng hoa sen, gạch hình rồng, bia khắc đá viền công phượng và nhiều đồ gốm sứ khác…

Đại đức Thích Minh Quang cho biết: “Tượng thì bằng đất, nhưng bên trong pho tượng đó có để bức tượng cổ của chùa từ ngày xưa, để minh chứng một điều rằng, tượng bên ngoài tuy có mới - là “kim”, nhưng vẫn giữ hồn cốt của “cổ”, trong kim vẫn có cổ, trong cổ có kim. Khi mà thông báo với mọi người là chùa đúc tượng thì người dân mang rất nhiều đồ đạc, những cái nhẫn bằng vàng, bằng bạc gửi gắm tình cảm. Thầy có cảm ơn họ, sau đó lấy một chút vàng bạc đó để ở dưới bệ mà Đức Thích Ca ngồi lên, để minh chứng rằng vàng bạc chỉ là vật lót ngồi với Đức Giác Ngộ”.

Để khám phá hết những điểm đến tại chùa, bạn không thể chỉ dành 1 ngày mà có thể đi hết được. Bởi muốn khám phá tất cả các dãy núi của chùa phải mất đến cả ngày, còn trèo từ chân núi lên đỉnh núi cao nhất nơi có vườn ổi, nhãn… mất khoảng 2 tiếng. Nếu muốn trải nghiệm lên đỉnh núi bạn phải đi theo đường suối và phải thật kiên trì bởi có những đoạn đường rất khó đi, phải khom người chui qua các đoạn hang đá.

Chùa có gần 20 điểm dừng chân khác nhau trên con đường lên tới đỉnh núi. Các vườn thiền có thể là trải đá trắng, có vườn thiền là thảm cỏ xanh rì, có vườn thiền lại là những viên gạch cổ khắc họa tiết rồng thời Lý. Bên cạnh đó còn có những không gian thưởng trà, nằm võng, ghế đã để ngắm toàn bộ không gian chùa từ trên cao.

Tại khuôn viên chùa có nhiều vườn trái cây và vườn khoa khác nhau xung quanh các dãy núi chùa. Nơi đây còn có các loại cây dùng làm thuốc chữa bệnh, thảo dược để tắm, rau rừng để ăn lẩu… Chúng được chăm sóc bởi và cả tạo thường xuyên bởi các nhà sư và người dân trong vùng.

Đặc biệt với những người mê đọc sách thì ở đây có rất nhiều đầu sách chủ yếu với nội dung nuôi dưỡng và trưởng dưỡng tâm hồn, sách được đặt trên kệ bao phủ kín các bức tường. Với không gian yên tĩnh, chắc chắn những cuốn sách sẽ giúp chúng ta thấy được nhiều điều ý nghĩa khi đến đây. Với những ai thích yên tĩnh có thể thưởng trà tại các phòng trà khác nhau ở chùa hay ngắm phong lan ở phía sau nhà thờ tổ.

Không chỉ là chốn thờ tự linh thiêng, chùa còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, nơi trải nghiệm cuộc sống, hướng con người đến với những giá trị chân - thiện - mỹ.

Đặt chân đến nơi đây, dường như mọi muộn phiền âu lo đều tan biến, thay vào đó là cảm giác tiêu dao tự tại như đang lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Nếu bạn muốn còn có thể nghỉ đêm tại chùa để tận hưởng không khí thanh tịnh nơi đây.