Ông là vị chúa thứ 8 trong 9 đời chúa Nguyễn kéo dài từ giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18. Không chỉ có công đưa áo dài cả nam và nữ vào chế độ y quan trong triều để sau này vua Minh Mạng đã nâng lên thành quốc phục thống nhất cả Đàng Trong Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Khoát còn có nhiều tư tưởng tiến bộ trong mở mang ngoại thương.

Theo tư liệu của dòng họ Nguyễn Phước (Nguyễn Phúc) và theo các nguồn sử liệu, Chúa Nguyễn Phúc Khoát (hay còn có danh xưng là Chúa Võ Vương) sinh năm Giáp Ngọ (1714). Ông là người gốc Gia Miêu (huyện Tống Sơn, Thanh Hóa), và là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chú và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc đầu, Nguyễn Phúc Khoát được phong là Chưởng dinh Tiền Thủy, tước Hiểu Chính hầu, làm phủ đệ ở Cơ Tiền Dực tại làng Dương Xuân (Thừa Thiên).

Năm Mậu Ngọ (1738), Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi khi 24 tuổi, được quan triều tôn là Thái bảo Hiểu Quận công. Sau khi lên ngôi chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát thực hiện nhiều chính sách cải cách, xây dựng nhà nước như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Về hành chính thì chia làm 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương.

PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, sự nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Khoát nổi bật nhất là hoàn thiện giấc mơ mở cõi về phương Nam: “Trong lịch sử Việt Nam có dựng nước, giữ nước và mở nước, thống nhất đất nước. Riêng về sự nghiệp mở nước tôi cho rằng nhà Nguyễn có công nhiều nhất. Và người thực hiện hoàn thiện bản đồ VN để có lãnh thổ như đến ngày nay chính là Nguyễn Phúc Khoát”.

Theo sách Đại Nam Thực Lục, sự nghiệp mở nước của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát bắt đầu ngay sau khi lên ngôi cho đến khi hoàn thành đến vùng Hà Tiên vào năm 1757 với 2 lần bình định Chân Lạp, thu phục các phủ Lôi Lạt, Tầm Bôn, Cầu Nam và Nam Vang, rồi tiếp đến là chiêu dụ người Côn Man, với sự phò tá của rất nhiều tướng tài, trong đó tiêu biểu là Nguyễn Cư Trinh. Đến năm 1757 thì hoàn thành công cuộc Nam tiến, vùng đất Nam Bộ ngày nay đã thuộc về Chúa Võ. Lãnh thổ Việt Nam đến thời điểm này về cơ bản đã được định hình xong.

Cùng với công cuộc Nam tiến, tại kinh đô, chúa Võ Vương cho xây dựng đô thị Phú Xuân mang dáng dấp một đô thị hiện đại. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phân tích: “Đô thị Phú Xuân lúc đó mang tư tưởng tiến bộ, được thiết kế theo hình bàn cờ. Có 3 lớp thành, có 7 cổng vào. Đặc biệt sử gia Lê Quý Đôn miêu tả chúa đã xây dựng hệ thống các phủ, điện, đình, các, hiên … với quy mô rất lớn như phủ Dương Xuân, Điện Trường Lạc, Đình Giáng Hương….”

Trong những năm đầu mới lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Khoát rất chú trọng đến kiến thiết nhà nước và có những tư tưởng tiến bộ. Không chỉ tiếp tục kế thừa tư tưởng hướng biển, ông còn quan tâm đến mở mang ngoại thương, giao lưu với các nước phương Tây.

Nói đến phát triển ngoại thương thì từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã có những chú trọng, đã có quan hệ trực tiếp với Nhật Bản, Trung Quốc nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát thì nhiều tài liệu ghi chép hơn. Ông còn mời cả những y sỹ phương Tây vào triều làm ngự y. Ông cũng là vị chúa đầu tiên sử dụng cả Đông y và Tây y”- PGS.TS Đỗ Bang nhấn mạnh.

Một điều đặc biệt nữa trong thời gian trị vì của chúa Võ Vương là việc chấn chỉnh về y phục trong triều. Từ các nguồn sử liệu của Việt Nam và ghi chép của người nước ngoài đều khẳng định, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đã đặt ra quy định về việc "mặc áo năm thân, cài khuy bên phải và mặc quần", tức là trang phục áo dài của Việt Nam ngày nay.

Ghi chép của sử gia Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục, công trình sử học - địa chí ghi chép lịch sử - văn hóa của xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn vào năm 1744 có ghi rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương, xưng vương hiệu, đổi mới phong tục, định lại trang phục trên toàn xứ Đàng Trong, nhằm khẳng định độc lập với Đàng Ngoài”.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: “Có một di sản đặc biệt mà chúa Nguyễn Phúc Khoát để lại cho thế hệ sau đó là áo dài. Khi xưng vương định đô, chúa Võ Vương đã làm một việc mà các triều đại đều mong thực hiện được đó là chế độ y quan và chế độ lễ nhạc. Y quan là chế độ mũ áo thể hiện sự độc lập trong trang phục của một triều đại, của một dân tộc. Lễ nhạc là thể hiện sự văn minh, trình độ của đất nước. Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã làm được cả 2 điều này. Y quan thì ông cải cách triều phục đến thế kỷ 19 thì vua Minh Mạng đã đưa y phục này thành quốc phục thống nhất cả Đàng Trong Đàng Ngoài”.

Trong những năm đầu ở ngôi vương, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã làm được nhiều việc kiến thiết đất nước. Tuy nhiên có điều đáng tiếc là về cuối đời, Chúa Võ trở nên tự đắc. Ông say mê tửu sắc, không còn thiết tha việc nước nữa, gây những ảnh hưởng tiêu cực cho dân chúng. Hệ thống thuế khóa phức tạp, cồng kềnh, nặng nề, quan cấp dưới lạm thu để tham nhũng khiến dân phải nộp nhiều hơn quy định. Thuế thổ sản có tới hàng ngàn thứ, tính cả những sản vật nhỏ nhặt. Năm 1741, chúa Nguyễn Phúc Khoát còn ra lệnh truy thu thuế của cả những người bỏ trốn. Tới năm 1765 lại có lệnh truy thu thuế còn thiếu của 10 năm trước.

Ngày 7 tháng 7, năm 1765, Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát qua đời, thọ 51 tuổi. Ông được táng tại Trường Thái lăng ở làng La Khê thuộc Hương Trà, Thừa Thiên Huế ngày nay. Đến đời Gia Long, Chúa Võ được thờ tại Thái Tổ Miếu. Chúa Nguyễn Phúc Thuần, con trai thứ 16 của Chúa Võ lên ngôi, dâng thụy hiệu cho cha là: Trí Hiếu Vũ Vương. Năm Bính Dần (1806), Vua Gia Long truy tôn là: Trí Hiếu Võ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thế Tông.

Tuy rằng về cuối đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có những biểu hiện suy thoái trong lối sống cá nhân. Nhưng nhìn nhận một cách công bằng thì, hậu thế cần ghi nhận và đánh giá đúng và khách quan về giá trị những di sản mà khi ở ngôi vương ông đã dày công gây dựng và để lại cho đời sau, đó là củng cố, hoàn thiện bản đồ hình chữ S của đất nước và tà áo dài độc đáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Mời nghe âm thanh tại đây: