Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, vua Lê Thánh Tông được xem là vị vua trị vì lâu nhất triều Hậu Lê, từ năm 1460 đến năm 1497. Thời kỳ của vua Lê Thánh Tông được xem là thời kỳ hưng thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam nói chung và thời kỳ Hậu Lê nói riêng với tên gọi “Hồng Đức Thịnh Thế”. Đặc biệt, so với giai đoạn trước đó, với gần 38 năm tại ngôi, vua Lê Thánh Tông đã đưa đất nước lên một tầm cao mới. Hơn thế, so với các nước láng giềng, thời kỳ ấy quốc gia Đại Việt có vị thế rất cao.

Không chỉ có những chính sách canh tân đất nước, vua Lê Thánh Tông còn rất chú trọng đến việc ghi chép sử sách. Theo các nguồn tư liệu lịch sử, vua Lê Thánh Tông lên ngôi năm 1460 khi vừa tròn 18 tuổi, trong bối cảnh đất nước có nhiều biến cố. Dù trong bối cảnh rối ren, nhưng với tài năng xuất chúng, tâm, trí hơn người, vua Lê Thánh Tông đã nhanh chóng lập lại thái bình, tạo ra một bước tiến mới cho đất nước. PGS.TS Mai Văn Tùng, Trường ĐH Hồng Đức nhận định, triều đại vua Lê Thánh Tông đã để lại những di sản đặc biệt quý báu về xây dựng pháp luật và quản trị quốc gia:

“Trong 38 năm ông cầm quyền, ông đã làm rất nhiều việc cho đất nước. Cải cách nước nhà trên toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị. Khi nói thời Hồng Đức thì chúng ta nghĩ ngay đến bản đồ Hồng Đức, là một trong những bản đồ đầu tiên trong thời kỳ phong kiến Việt Nam được chính vua trực tiếp chỉ đạo và định vị lãnh thổ quốc gia. Rồi Quan chế Hồng Đức, để nói đến một tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và còn rất nhiều dấu ấn khác như đê Hồng Đức, bộ luật Hồng Đức…”- PGS.TS Mai Văn Tùng nhấn mạnh.

Nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử các thời đại sau này đều cho rằng, vua Lê Thánh Tông là một đấng vua minh quân toàn tài, mưu lược và đầy khí phách của thế kỷ XV. Ông không chỉ khắc danh tên tuổi của mình vào dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn giúp cho hậu thế hiểu về nguồn cội và đất nước mình sau hàng ngàn năm hình thành, phát triển.

Không chỉ cải tổ đất nước, đưa quốc gia Đại Việt đạt tới đỉnh cao về sự cường thịnh, vua Lê Thánh Tông còn hết sức lưu tâm đến vấn đề ghi chép quốc sử. Theo Tiến sĩ sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học, dưới triều vua Lê Thánh Tông trong cơ quan Quốc sử viện của triều đình đã xuất hiện thêm một chức quan mới là “Sử quan tu soạn”. Đây là người được vua Lê Thánh Tông giao trực tiếp biên soạn quốc sử.

Tiêu biểu nhất trong số các sử quan là sử thần Ngô Sỹ Liên: “Năm 1479 vua Lê Thánh Tông đã sai sử quan Ngô Sỹ Liên biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư 15 quyển. Vị vua tài giỏi Lê Thánh Tông có nhãn quan sâu sắc về ý thức độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và đã sớm chuẩn bị việc biên soạn quốc sử” – TS Nguyễn Hữu Tâm cho biết.

Cũng theo nhà sử học Nguyễn Hữu Tâm, trong suốt chiều dài lịch sử nước ta, ít có vị vua nào lại quan tâm đến việc biên soạn quốc sử như vua Lê Thánh Tông. Một số thư tịch cổ cho biết, trong 38 năm cầm quyền, vua Lê Tánh Tông đã 2 lần hạ chiếu cho quần thần thu thập tư liệu trong dân gian để phục vụ cho công tác biên soạn quốc sử.

Chính sử cũng chép khá cụ thể về những việc làm này của nhà vua: “Trong bài tựa sách Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên đã viết rằng khoảng năm Quang Thuận, tức khoảng 1460 - 1469, vua ra lệnh tìm kiếm giã sử của các truyện ký xưa nay do tư nhân cất giữ để tham khảo. Đến thế kỷ 18, Lê Quý Đôn cũng viết Lê Thánh Tông ham thích sách vở, hạ lệnh tìm tòi dã sử, thu thập truyện ký cổ kim còn chứa trong các nhà riêng, hạ lệnh cho đem dâng tất cả. Vào khoảng năm Mộng Đức, 1470 - 1497, nhà vua hạ lệnh tìm dã sử” - TS Nguyễn Hữu Tâm chia sẻ.

Kết quả của những đợt thu thập này cũng được ghi chép trong sử sách. Cụ thể trong Đại Việt thông sử, có đoạn viết rằng “Dịp này nhiều người đã đưa cả sách quý, sách hiếm, sách bí truyền và được nhà vua khen thưởng”. Thậm chí, cả những thư tịch cổ lưu giữ trong dân cũng được dưa ra.

Không chỉ chú trọng đến việc sưu tầm thư tịch, sách vở, vua Lê Thánh Tông còn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ biên soạn. TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm nhận định: “Sử gia Lê Quý Đôn đã ca ngợi đội ngũ biên soạn sử của Lê Thánh Tông rằng “Bấy giờ Lê Thánh Tông kén chọn sử quan rất cẩn trọng. Như Sử quan Lê Nghĩa chép thẳng sử ngay, có khí tiết. Lúc đó vua Lê Thánh Tông muốn xem sử thì Lê Nghĩa đã thẳng thắn từ chối và nói rõ là nhà vua không nên xem viết sử về triều đại mình. Ông dám chép thẳng thắn và can dán nhà vua”.

Tất cả những chính sách và việc ghi chép đã chứng tỏ sự thiết tha của vua Lê Thánh Tông đối với việc biên soạn quốc sử. Điều này cũng thể hiện ý thức bảo tồn truyền thống văn hóa của nhà vua. Như vậy, với sự quan tâm đặc biệt đến quốc sử, các vua nhà Lê đã thực hiện việc ghi chép khá đầy đủ và kỹ lưỡng. Đến thời Hậu Lê, Quốc sử nước ta đã được biên soạn từ thời Triệu vương kiến đức đến khi kiến lập thời Hậu Lê, thời gian kéo dài hơn 1.500 năm. Đến nay những thư tịch này tuy còn lại ít ỏi nhưng đã và đang giúp cho chúng ta biết về quá khứ, về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông dễ dàng hơn.

Có thể nói rằng, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vua Lê Thánh Tông xứng đáng là một đấng minh quân văn, võ song toàn. Tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang của ông đã gắn liền với giai đoạn cường thịnh của nước Đại Việt. Không chỉ là vị vua trị vì lâu nhất, ông còn làm rạng danh quốc gia Đại Việt và để lại cho hậu thế rất nhiều bài học, nhiều “công trình” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Mời nghe nội dung bài viết tại đây: