Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực, gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức: các vấn đề mới xuất hiện, gia đình truyền thống ngày càng thu hẹp, các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân và gia đình xuất hiện, tình trạng ly hôn, sống đơn thân, ngại sinh con cùng với tình trạng buông lỏng giáo dục gia đình, lối sống thực dụng, chạy theo vật chất chi phối thái độ, ứng xử các thành viên trong gia đình và xã hội.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đưa nghị quyết đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt nam – nhận diện và giải pháp”, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPNVN khẳng định: Việc nghiên cứu, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, đồng thời, xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới: bốn giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới là An toàn, Thịnh vượng, Bình đẳng, Trách nhiệm.

Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 đặt chương trình hành động nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc. Bởi phụ nữ chính là người mẹ, người thầy đầu tiên, người trao truyền văn hoá, giữ vững “nếp nhà” trong sự tiếp biến giá trị văn hoá mới hiện nay.