Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị văn hóa lần thứ nhất, do vậy được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ giá trị cốt lõi, năm 2014, việc xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam đã được đặt ra tại Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, rất nhiều vấn đề bức xúc về con người và văn hóa đã bộc lộ. Đây cũng chính là lý do khiến vấn đề xây dựng hệ giá trị, một lần nữa được đặt ra tại Đại hộiXIII của Đảng.

Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Nói như vậy để thấy, xây dựng giá trị Việt - cần phải bắt đầu từ gia đình, bởi văn hóa gia đình chính là những giá trị cốt lõi để hình thành nên nhân cách của mỗi người Việt Nam.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, văn hóa gia đình là một trong những giá trị của văn hóa và con người Việt Nam. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa trong gia đình cũng thay đổi theo hướng như vậy. Tất cả sự thay đổi của xã hội sẽ được phản ánh trong gia đình, được xử lý trong gia đình. Thế nên những bất cập và cả những cơ hội sẽ xuất hiện cùng với quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Thực tế là mọi giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội… đều khởi nguồn từ gia đình. Chính gia đình là một thiết chế văn hóa góp phần tạo dựng nên một xã hội có văn hóa. Hay nói cách khác, văn hóa gia đình được hình thành trên cơ sở nền tảng của văn hóa dân tộc, là thước đo giá trị văn hóa dân tộc.

Việt Nam được đánh giá là có tiến bộ rõ rệt và liên tục suốt 20 năm qua nhưng những hiện tượng bức xúc thuộc vấn đề con người cũng được coi là đang ở mức độ khá nghiêm trọng. Tình trạng tha hóa, suy giảm về đạo đức, xuống cấp về văn hóa đã được xã hội lên tiếng từ nhiều năm qua, mà nói như PGS.TS Bùi Hoài Sơn: "Đây là một thách thức của văn hóa gia đình hiện nay, nhất là khi lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân được đề cao, dẫn đến sao lãng những yếu tố về tinh thần, cộng đồng".

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng, hoàn thiện các giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật...”. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, văn hóa gia đình tham gia vào quá trình này rất sâu sắc vì xây dựng con người là bắt đầu từ gia đình: "Gia đình chính là nơi xuất phát đầu tiên, nơi mà chúng ta có những cơ sở ban đầu nên gia đình tốt sẽ tạo ra một môi trường lành mạnh, từ đó hỗ trợ cho việc phát triển đạo đức, văn hóa của mỗi cá nhân”.

Có thể nói, văn hóa gia đình chính là những thực hành hàng ngày của các thành viên nhằm củng cố và phát triển các mối quan hệ tình cảm, đạo đức tạo nên một gia đình bền vững. Vậy các thành viên trong gia đình cần phải tự mình điều chỉnh cách sống, ứng xử để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được văn hóa truyền thống của gia đình. Và khi chúng ta phát huy được hệ giá trị văn hóa gia đình thì có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc “Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

"Văn hóa gia đình sẽ tạo động lực, tạo sức mạnh tinh thần cho mỗi cá nhân vững bước hơn trong cuộc sống. Gia đình có những giá trị bất biến theo thời gian và những giá trị đó chúng ta phải gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ. Tuy nhiên bên cạnh đó, gia đình cũng có thể có những giá trị mới, chính vì vậy việc tạo ra một hệ giá trị văn hóa gia đình phù hợp với xã hội là điều vô cùng quan trọng, để mỗi gia đình phát triển và văn hóa của cả đất nước phát triển". PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Gia đình là một xã hội thu nhỏ. Cá nhân - gia đình - xã hội là mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hưng thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Gia đình càng hoàn thiện, càng ổn định và có văn hóa sẽ góp phần xây dựng lối sống, nếp sống tốt đẹp cho xã hội. Chính vì vậy, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam – cần bắt nguồn từ văn hóa gia đình, đó chính là những giá trị cốt lõi làm nên cốt cách của mỗi người nói riêng, giá trị Việt nói chung.

Mời nghe âm thanh tại đây: