Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, đây là một hoạt động hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo nhằm thúc đẩy sự đổi mới về văn hóa và phát triển đô thị bền vững tại thành phố Hà Nội giữa Hội đồng Anh và Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

Việc gia nhập Mạng lưới Các thành phố Sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Hà Nội trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa. Kể từ khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo đến nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động khởi sắc: Các tuần lễ sáng tạo, lễ hội thiết kế sáng tạo, sự bùng nổ của các không gian sáng tạo… đang là điểm nhấn, thể hiện tiềm năng sáng tạo của Thủ đô đã len lỏi vào cuộc sống của người dân Thủ đô.

"Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo ở Hà Nội cũng còn khó khăn, thách thức: Xây dựng thương hiệu ra sao, nguồn lực phát huy như thế nào, sự kết nối, tính ứng dụng và cách thể hiện bản sắc văn hóa... cũng cần phải tính đến vì hiện nay các hoạt động sáng tạo ở Hà Nội so với các thành phố sáng tạo phát triển khác còn khoảng cách khá xa. Hà Nội cũng chưa có trung tâm sáng tạo, megashow... để có thể phát huy được tiềm năng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, thưởng thức của người dân", ông Đỗ Đình Hồng chia sẻ.

Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, tọa đàm không đơn thuần là những cuộc đối thoại mà đó còn là sự khám phá tiềm năng của Hà Nội trong vai trò là một không gian sáng tạo đang phát triển; một cơ hội để các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của thành phố cùng kết hợp với các chuyên gia và những người có tầm nhìn trong lĩnh vực này. Buổi tọa đàm sẽ cho thấy sức mạnh của sự hợp tác và quan hệ đối tác đa văn hóa, thể hiện tinh thần sáng tạo và giao lưu đúng với tinh thần truyền cảm hứng và hợp tác xuyên suốt của Chương trình UK/Viet Nam Season. Chúng tôi hy vọng thông qua sự kiện ngày hôm nay khi có sự chia sẻ kinh nghiệm từ 3 trung tâm văn hóa và sáng tạo lâu đời của Anh như: Belfast, Dundee và DerryLondonderry Hà Nội sẽ có thêm thông tin để xây dựng lộ trình trở thành một thành phố sáng tạo toàn diện và đổi mới

Tại hội thảo, đại diện các trung tâm văn hóa và sáng tạo lâu đời như Belfast, Dundee và Londonderry đã chia sẻ các bài học về thành công và thách thức trong quá trình phát huy hiệu quả giá trị của Thành phố sáng tạo, những hiểu biết và kinh nghiệm cũng như cung cấp kiến thức hữu ích của mình tới những người làm nghệ thuật sáng tạo tại Việt Nam.

Chris McCreey đến từ Thành phố Âm nhạc Belfast, Vương quốc Anh cho biết, năm 2021, Belfast trở thành TP thứ 3 của Vương quốc Anh tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), sau Liverpool và Glasgow. Ngay sau khi trở thành Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực âm nhạc trong UCCN, chính quyền TP Belfast đã ban hành Chiến lược thành phố âm nhạc “Music Matters” giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu tăng mức độ nhận diện quốc tế với Belfast; bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ; tăng cường du lịch âm nhạc… Trong quá trình thực hiện được chiến lược trên, Belfast lấy nghệ sĩ làm trọng tâm, thành lập Uỷ ban âm nhạc của TP, tăng cường đầu tư và tài trợ cho các nghệ sĩ, thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng chương trình âm nhạc về đêm và du lịch âm nhạc. "Dù có xuất phát điểm khác nhau, điều kiện địa lý, dân cư khác nhau khi được công nhận là Thành phố Sáng tạo và thực hiện các cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo… nhưng chúng ta cuũg phải dựa vào đặc điểm, nguồn lực của từng nơi để tạo ra những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Theo nhà báo Trương Uyên Ly - điều phối tọa đàm, Hà Nội cần tháo gỡ một số khó khăn trong chính sách, thể chế để tạo điều kiện cho các nhà sáng tạo có thể phát huy hết tâm lực, trí lực vào xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực sáng tạo của thủ đô. "Hà Nội mới đang trong giai đoạn đầu phát triển thành phố sáng tạo nên để hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội với UNESCO khi là thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo, thời gian tới, thành phố cần có thêm nhiều giải pháp ưu tiên hơn nữa, các cơ chế, chính sách mới, phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng các không gian sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng, tạo ra sản phẩm tinh hoa, từ đó tạo nguồn lực mạnh mẽ để phát triển Hà Nội - Thủ đô sáng tạo đích thực.

Mạng lưới “Các thành phố Sáng tạo UNESCO” được thành lập năm 2004, hiện có 246 thành viên, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” Hà Nội vinh dự trở thành 1 trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế. Từ đó, Hà Nội đứng trước cơ hội lớn trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.