Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm, đáng tiếc trong thời gian học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, dã ngoại. Việc một học sinh và một phụ huynh của một trường tư thục ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bị tử nạn trong chuyến đi trải nghiệm bắt ngao tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy ( huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định ) do bị sụt lún rồi bị nước cuốn trôi ngày 20/5 vừa qua khiến dư luận lại một lần nữa có nhiều bình luận và lo lắng về các hoạt động trải nghiệm.

Theo khái niệm chung nhất thì trải nghiệm là tiến trình hay là quá trình hoạt động năng động để thu thập kinh nghiệm, trên tiến trình đó có thể thu thập được những kinh nghiệm tốt hoặc xấu, thu thập được những bình luận, nhận định, rút tỉa tích cực hay tiêu cực, không rõ ràng tùy theo nhiều yếu tố khác như môi trường sống và cách nhìn nhận tiếp thu đánh giá của mỗi người.

Với lứa tuổi học sinh, trải nghiệm được coi như các hoạt động ngoại khóa, vừa giúp học sinh có điều kiện tham quan dã ngoại, khám phá, thư giãn, gần gũi với thiên nhiên, cộng đồng để hiểu hơn về cuộc sống,thiên nhiên xung quanh, có thêm những kỹ năng sinh tồn khi tham gia các hoạt động trong tự nhiên. Đây cũng chính là một hoạt động tạo môi trường giúp học sinh gắn học với hành, gắn lý thuyết với trải nghiệm thực tế.

Trải nghiệm sẽ trở thành một hoạt động hữu ích nếu như chương trình được xây dựng một cách chọn lọc, phù hợp các yếu tố về lứa tuổi, địa hình, chủ đề … cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo với những kịch bản chuẩn chỉ về thời gian, không gian, địa điểm và quan trọng hàng đầu là phải có tính an toàn cao. Đó chính là những yếu tố đảm bảo sự “An toàn để trải nghiệm”.

Việc đưa học sinh đi trải nghiệm hiện nay có nhiều hình thức. Có những chuyến đi do nhà trường tổ chức và có những chương trình do chính Ban phụ huynh hoặc từng nhóm phụ huynh đứng ra tổ chức. Việc chọn địa điểm trải nghiệm, hình thức trải nghiệm nếu không có kinh nghiệm, không có sự phòng hộ kỹ càng, không đủ người kiểm tra giám sát, ở lứa tuổi hiếu kỳ, hiếu động, trong những địa hình hiểm trở, các hoạt động của các em rất khó kiểm soát nên sẽ dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Trở lại với vụ việc đau lòng ở Giao Thủy, Nam Định, theo phân tích của các chuyên gia địa lý, trong quá trình tham quan, tốp 20 người được đưa ra bãi cát nằm giữa sông Hồng và sông Trà để trải nghiệm bắt ngao. Thời điểm đoàn xuống thì nước cạn, nhưng trong quá trình học sinh trải nghiệm thì nước dâng lên và thay đổi dòng chảy khiến cát sụt lún và nhiều em học sinh bị nước cuốn đi. Những người trên tàu đã ném áo phao xuống để phụ huynh cứu các học sinh nhưng cuối cùng 1 học sinh và 1 phụ huynh đã bị nước cuốn đi và tử nạn.

Điều đáng tiếc là khu vực đoàn học sinh trải nghiệm bắt ngao là khu vực đã được cảnh báo nguy hiểm, qua hệ thống loa truyền thanh, UBND xã thường xuyên khuyến cáo, lưu ý các đoàn tham quan nhưng đoàn trải nghiệm vẫn không phòng tránh dẫn đến hậu quả đau thương khôn lường.

Theo phân tích của những người có kinh nghiệm, vùng cửa sông Hồng nước triều lên xuống rất nhanh, cả một khối nước khổng lồ sự dịch chuyển nhanh khủng khiếp sẽ làm cho các bờ cát bị sụt và tạo thành các xoáy nước. Những lạch nước sâu, những chỗ dốc ở cồn cát khi nước dâng lên khiến mắt thường không quan sát được chỉ có thể tránh bằng kinh nghiệm. Những người không sống ở đây thường xuyên, thiếu kinh nghiệm khi gặp sự cố lún sụt cát và nước triều lên đột ngột sẽ hốt hoảng và dễ bị nước cuốn đi nếu không mặc áo phao và không biết bơi thì hậu quả sẽ rất đau lòng.

Hoạt động trải nghiệm cho học sinh là điều cần làm và cần phải làm tốt hơn, thiết thực hơn. Mỗi chuyến đi những đứa trẻ nhận về biết bao sự hào hứng và những khám phá thú vị để rồi những điều mắt thấy, tay cầm… được các em ghi nhớ, đưa vào những bài học của mình… có thêm niềm cảm hứng để học tập, phấn đấu, để nuôi dưỡng những ước mơ… Vì vậy, không thể vì một chuyến trải nghiệm rủi ro mà phủ định hay tạm dừng các hoạt động trải nghiệm. Cần phải rút kinh nghiệm để thực hiện các chương trình trải nghiệm bài bản, chuyên nghiệp, an toàn cho các em, cũng như các thành viên trong đoàn.

Núi, biển, đồng bằng, sông, ngòi, đồng ruộng… thậm chí bể bơi hay công viên đều là những nơi có thể trải nghiệm, nhưng an toàn hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm, vào sự chuẩn bị, sự phòng bị và ý thức của mọi người. An toàn để trải nghiệm chính là các yếu tố cần và đủ cho một chương trình trải nghiệm thành công. Vì có an toàn trải nghiệm mới có thể có những chuyến trải nghiệm an toàn./.