Không quá khi nói rằng Việt Nam là đất nước của những di sản, nhưng có lẽ hiếm có một đề xuất di sản nào lại được đông đảo người dân đón đợi như với áo dài. Cũng dễ hiểu thôi, bởi từ lâu, áo dài luôn được người Việt Nam coi là quốc phục trong tâm thức, dù chưa có bất cứ một văn bản nào quy định.
Theo sử sách ghi lại, y phục xa xưa nhất của người Việt, theo những hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây khoảng 2.500 năm, đã cho thấy hình ảnh phụ nữ mặc trang phục áo dài với hai tà xẻ. Sau này, Chúa Nguyễn Phúc Khoát, vị Chúa Nguyễn thứ 8 của chính quyền Đàng Trong, được xem là người có công sáng chế và định hình chiếc áo dài Việt Nam như ngày nay.
Nói như vậy để thấy, từ rất lâu, chiếc áo dài đã gắn bó thân thuộc với đời sống mỗi người dân Việt Nam. Ngày nay, không chỉ vào các dịp lễ trọng đại như ngày Tết, ăn hỏi, cưới xin… mà trong đời sống hàng ngày, rất nhiều người Việt - cả nam và nữ - đều lựa chọn trang phục áo dài. Tại các cuộc thi hoa hậu hay trong các sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, các nghệ sỹ, người đẹp luôn mặc áo dài dân tộc như một sự nhận diện: Tôi là người Việt Nam.
Nhưng trong thực tế, vẫn có những chuyện như một cô thí sinh hoa hậu Trung Quốc nhận áo dài là “trang phục truyền thống” của nước mình. Hay ngay các nhà thiết kế trong nước cũng có những “sáng tạo trời ơi đất hỡi” làm biến dạng chiếc áo dài truyền thống.
Mỗi lần như vậy, dư luận lại đặt câu hỏi: Làm thế nào để bảo toàn giá trị của chiếc áo dài dân tộc? Hay vì sao đến giờ, áo dài Việt Nam vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa?
Năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch từng khởi động “Dự án chọn lễ phục nhà nước” với mẫu lễ phục áo dài nữ nhận được 100% ý kiến đồng tình. Giữa năm 2020, hội thảo khoa học “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” được tổ chức nhằm nhìn nhận cặn kẽ hơn giá trị của áo dài, hướng đến việc giữ gìn và bảo tồn nó như một di sản.
Nhưng, xem ra như vậy vẫn là chưa đủ. Con đường đến với di sản của áo dài Việt Nam còn quá xa xôi. Bởi muốn kiện toàn hồ sơ để trình UNESCO, đầu tiên áo dài phải trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phải là quốc phục về mặt văn bản pháp lý. Chúng ta không chỉ có một vật thể là chiếc áo dài, mà cần phải có các không gian dành cho nó, như là không gian thủ công của nghề may áo dài, không gian mặc áo dài, rồi không gian văn hóa của áo dài…
Thực tế là trong số 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh, thì có đến hơn nửa di sản liên quan đến áo dài. Từ nhã nhạc cung đình Huế cho đến đờn ca tài tử, rồi hát xoan, ví giặm… đều sử dụng áo dài khi biểu diễn (nhiều trường hợp dùng áo dài thay cho áo tứ thân). Mới thấy, hiếm có trang phục dân tộc nào góp phần vào quá trình tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể nhiều như áo dài.
Do vậy, dù áo dài có hay không thuộc danh mục di sản thì giá trị vẫn là như nhau và trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ. Mục tiêu của việc đưa áo dài vào danh mục di sản là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để bảo tồn tốt hơn. Bởi thực tế cho thấy, nhiều khi chính cộng đồng sở hữu – vì vô tình và thiếu hiểu biết – lại là đối tượng xâm hại di sản đầu tiên, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Trải qua thời gian, vượt qua những giá trị đơn thuần về mặt sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến tầm vóc mới - đó là sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng tinh hoa văn hóa Việt, ẩn chứa vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn Việt.
Ngay trong từ điển Oxford, từ “Áo dài” cũng được đưa nguyên bản thay vì bất cứ một cái tên nào khác. Đó chính là sự định danh, khẳng định giá trị không thể trộn lẫn của áo dài Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Vậy nên, chẳng có lý do gì để áo dài không trở thành Di sản, khi mà hôm nay, dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, cứ hễ “thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”.