Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Hà Nội đêm qua (12/9), lại khiến mọi người rơi nước mắt, ám ảnh bởi những tiếng kêu cứu, những người đang nguy kịch trong viện vì bị ngộ độc khí, chấn thương khi cố thoát thân khỏi đám cháy khói đen ngùn ngụt và cả những người đã vĩnh viễn ra đi.

Nhất thủy nhì hỏa, dù cơ quan chức năng đã tổ chức tổng rà soát toàn quốc các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, kiên quyết xử lý vi phạm nhưng theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/7/2023) tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Trong kỳ báo cáo, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỷ đồng (giảm 30,37%).

Luật Phòng cháy chữa cháy đã có, các văn bản hướng dẫn luật cũng đã được ban hành, vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy được xử lý nghiêm, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cũng được đẩy mạnh bên cạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn cơ sở. Thế nhưng, theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu, dù cơ quan chức năng đã ban hành rất nhiều chủ trương, biện pháp về phòng chống cháy nổ nhưng kết quả chưa tương xứng với giải pháp. Thậm chí có thời điểm các vụ cháy xảy ra liên tiếp, tạo nên dư luận cơ quan chức năng càng chỉ đạo, càng nêu nhiều thì cháy càng nhiều.

Tháng 8/2022, vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội khiến 13 người chết, 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh. Ngay sau vụ cháy, việc quản lý PCCC tại các cơ sở kinh doanh được tăng cường. Đầu năm 2023, UBND Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch số 131/KH-UBND về khắc phục các hạn chế, khuyết điểm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên lĩnh vực, địa bàn quản lý của đơn vị hoặc để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Thế nhưng, mới đêm qua thôi, một vụ cháy nghiêm trọng lại xảy ra, ở ngay giữa khu dân cư khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương. Chưa bao giờ mà một vụ cháy ở khu dân cư lại gây ra thiệt hại kinh khủng về người như vậy dù lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ và quần chúng nhân dân, các lực lượng chức năng đã nỗ lực hết sức, bất chấp nguy hiểm, cứu người bị nạn.

Có phải vì chúng ta thiếu quy định? Chắc chắn là không. Vậy nguyên nhân là do đâu? Có phải do người dân còn chủ quan; cơ quan chức năng thì buông lỏng quản lý hay còn do chất lượng đô thị hóa chưa cao, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị?

Dù ai đó phải chịu trách nhiệm, phải đi tù, phải bồi thường thì người chết vẫn không thể sống lại, người sống sót thì không thôi ám ảnh bởi những gì đã trải qua, chưa kể thiệt hại về tài sản chắt chiu cả đời của người dân.

Chung cư mini ở Hà Nội không phải bây giờ mới có. Thế nhưng đến nay Luật Nhà ở vẫn chưa có quy định cụ thể về loại hình này. Vì sao ở một con ngõ nhỏ ở Khương Hạ, xe ô tô không vào được nhưng lại tồn tại một chung cư mini cao đến 10 tầng, mặt sàn 200m2, tổng diện tích sàn xây dựng 2000m2, có tới 45 hộ dân và khoảng 150 nhân khẩu sinh sống. Ở Hà Nội giờ đây không thiếu những chung cư mini như vậy. Không thẩm duyệt, không nghiệm thu, không kiểm tra thường xuyên về an toàn, phòng cháy chữa cháy, tính mạng người dân trở nên mong manh khi cháy nổ xảy ra, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ thì vật lộn từng phút từng giây để cứu người.

Quy định phải đi trước một bước và ban hành ra không phải để đó mà phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, nhất quán. Bởi nếu buông lỏng quản lý thì quy định dù chặt chẽ đến đâu cũng sẽ không có hiệu quả và những vụ cháy đau lòng vẫn có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào.