Hôm nay, sau hơn 3 tuần Hải Dương xuất hiện ca bệnh đầu tiên, tổng số ca mắc giờ đã lên tới gần 600 trường hợp, chiếm 1/4 tổng số bệnh nhân của toàn quốc và chiếm hơn 70% tổng số ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước kể ngày 27/1. Nguồn lây bệnh tại đây cũng đã phát tán ra 12 tỉnh thành khác, trong đó có những địa phương cách Hải Dương đến hàng nghìn kilomet.

Nếu cho rằng dịch lây lan nhanh ra cộng đồng là do chủng virus lần này có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với chủng virus thời kỳ dịch xuất hiện ở Đà Nẵng; thứ hai là do dịch bùng phát ở khu công nghiệp - nơi có nhiều công nhân cùng sinh hoạt, ăn uống, giao tiếp chung và nữa, do dịch xảy ra vào dịp cận Tết nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn hơn…Tất cả những lý do này đều không sai.

Tuy nhiên, giá như ngay từ ban đầu, khi xác định được các lý do khác biệt, tỉnh Hải Dương đã xem đây là những yếu tố nguy cơ có thể khiến dịch diễn biến khó lường mà đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn, đủ mạnh hơn, nhanh hơn trong một số tình huống, thời điểm thì rất có thể tình hình bây giờ đã khác. Rất có thể, dịch đã không lan rộng ra 12/12 huyện, thị thành phố của tỉnh Hải Dương, và nhiều địa phương khác cũng không phải tốn kém sức người sức của ngày đêm lo phòng chống dịch.

Đã 3 tuần kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên (ngày 27/1), lực lượng y tế tại chỗ, chính quyền địa phương và cả các cán bộ, chuyên gia được Bộ Y tế điều động đến hỗ trợ Hải Dương, chắc chắn đã phải rất vất vả, gồng mình ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng kết quả cho tới tới thời điểm này, chưa được như mong muốn. “Diến biến dịch ở Hải Dương còn phức tạp và có thể, còn kéo dài”- chỉ cách đây vài ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận định như thế trong hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Hải Dương.

Nhiều ý kiến cho rằng Hải Dương chậm chạp, thiếu quyết đoán trong phòng chống dịch. Còn người đứng đầu tỉnh Hải Dương thì lên tiếng bác bỏ và khẳng định, tỉnh không chậm chạp, không thiếu quyết đoán. Đại diện Bộ Y tế ngày 18/2 cũng đánh giá, Hải Dương đã đi đúng hướng trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch. Nhưng phải chăng, dù đi đúng hướng, dù không thiếu quyết đoán nhưng chúng ta vẫn chậm hơn so với tốc độ lan truyền của bệnh? Có lẽ chỉ chính những người đang trong cuộc chiến chống dịch mới có câu trả lời chính xác. Còn với cộng đồng, hiệu quả chống dịch như thế nào được đánh giá rất cụ thể ở thực tế. Đó là sự lan rộng của các ổ dịch ngay tại nơi đang là điểm nóng của dịch bệnh, đó là câu chuyện 6/13 tỉnh, thành có dịch trong đợt này đã không ghi nhận ca bệnh trong nhiều ngày nay thì tại Hải Dương, tình hình vẫn đang rất nóng. Thêm nữa, đó còn là việc để phát sinh một số ca mắc mới do lây chéo tại các khu cách ly.

Trong khi đó, là tỉnh có bệnh nhân Covid xuất hiện cùng ngày nhưng kết quả dập dịch tại Quảng Ninh đến hôm nay rất khác. Quảng Ninh hiện có 60 ca và nhiều ngày nay, không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Nhìn vào thực tế này, dư luận có quyền so sánh và hoài nghi về cách tổ chức và hiệu quả chống dịch của Hải Dương.

Trong giai đoạn 3 của dịch Covid-19, ngay từ đầu, các chuyên gia đã nhận định, chúng ta đang phải chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây. Do đó, phải chạy đua với thời gian để khoanh vùng, truy vết và cách ly trước khi virus lây lan. Những ngày qua, các lực lượng chức năng tại Hải Dương cũng đã căng mình để thực hiện các nhiệm vụ này. Nhưng rõ ràng, hoạt động chống dịch của Hải Dương còn có những lỗ hổng. Tốc độ xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng còn chậm. Việc quản lý, bố trí, sắp xếp trong khu cách ly chưa hợp lý khi để người bình thường tiếp xúc gần với bệnh nhân, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai cần phải cách ly riêng nhưng vẫn cách ly chung…Thế mới có chuyện cách ly mà vẫn tụ tập chuyện trò, không thực hiện đeo khẩu trang. Việc giãn cách trong khu cách ly và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm mới được thực hiện chỉ 2 ngày trước đây.

Một lần nữa vẫn phải nói “giá như”. Bởi Hải Dương không phải là tỉnh lần đầu tiên đối mặt với dịch Covid-19, tất nhiên quy mô và tốc độ đều khác so với dịch lần trước, nhưng truy vết, cách ly, khoanh vùng và xét nghiệm - các biện pháp cơ bản để chống dịch là không thay đổi. Phải chăng Hải Dương thiếu kinh nghiệm và kiến thức trong phòng chống dịch? Dư luận có quyền hoài nghi về điều này! Nói vậy, không phải để chỉ trích mà đó là bài học không chỉ cho Hải Dương mà cho các địa phương khác nói chung, trong việc tuyệt đối không coi nhẹ bất cứ việc gì khi khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.