Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ ba con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ. Căm phẫn nhưng nhiều hơn, có lẽ là cảm giác bàng hoàng, chua xót của dư luận xã hội những ngày qua, bởi lẽ, chữ Hiếu, thật mỉa mai thay, lại bị sự vô luân chà đạp khi cả 3 đứa con cùng đồng lòng nhất trí hại mẹ, ngay trong ngày giỗ bố. Nhẫn tâm, tàn ác, tất cả chỉ vì không được đáp ứng nhu cầu về vật chất. Người mang nặng đẻ đau, người nuôi dưỡng chúng khôn lớn, bỗng chốc trở thành kẻ thù vì không phân chia tài sản cho chúng như mong muốn. Trong vụ việc này, có người còn lên tiếng thanh minh cho hành vi của 3 người con là vì người mẹ phân chia tài sản không công bằng, phân biệt trai - gái. Nhưng đấy có phải là “lỗi tày trời” của người mẹ? Bởi xét cho cùng, con người ta có quyền phân chia, để lại tài sản cho bất kỳ ai họ muốn, theo mức độ tình cảm và những gì họ từng được trao, nhận.

Thật đáng buồn thay và cũng hãi hùng thay, những câu chuyện con cái bất hiếu với cha mẹ đã không là chuyện hiếm gặp. Từ việc đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng bố mẹ cho đến những hành vi hỗn hào, thậm chí là bạo lực với chính người đã sinh thành dưỡng dục.

Các cụ ta ngày xưa có câu: “Có bố mẹ già như có báu vật trong gia đình”. Vậy mà với họ, những đứa con bất hiếu, cha mẹ già như là một gánh nặng, một sự phiền hà không có cách gì rũ bỏ. Trong nhiều trường hợp, khi cha mẹ không đáp ứng những mưu cầu của họ thì họ sẵn sàng chửi rủa, đánh đập, tồi tệ hơn nữa là ra tay sát hại một cách dã man.

Chúng ta đang sống trong thời đại mới – thời đại văn minh, khoa học, cuộc sống của mỗi người cũng ngày được nâng cao. Nhưng các giá trị đạo đức dường như đang bị xói mòn, chữ Hiếu bị xem nhẹ.

Thay vì đề cao những giá trị về đạo đức, người ta lại đề cao những giá trị vật chất, để vì nó mà có thể sẵn sàng xuống tay tàn nhẫn với cả người thân yêu, ruột thịt. Giá trị vật chất chất lên ngôi cùng lối sống vị kỷ đã khiến không ít người dễ bị mờ mắt, mù quáng và dễ mất kiểm soát, đi quá giới hạn khi cảm thấy lợi ích cá nhân bị vi phạm. Sự ích kỷ ấy đã khiến chúng chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chỉ đong đếm những gì mình có được mà không tự hỏi mình đã nhận được những gì từ bậc sinh thành. Đây thực sự là hồi chuông đáng báo động về luân thường đạo lý trong gia đình, là bài học chua xót về chữ Hiếu.

Dù ở thời đại nào, cái gốc của chữ Hiếu vẫn nằm ở gia đình, ở mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ. Và nó cũng chính là cái gốc để mỗi người trưởng thành. Giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ không chỉ giúp mỗi chúng ta thêm vững vàng hơn trong cuộc sống mà đó còn là bài học quý giá cho chính những đứa con của mình sau này. Con trẻ sẽ thấy được gì, học được gì từ những người cha, người mẹ bất hiếu?

Mỗi gia đình là tế bào của xã hội, chúng ta đã nói mãi và nghe mãi. Vậy tế bào ấy có khỏe mạnh hay không khi mọi giá trị, phép tắc bị đảo lộn? Ba người con gái ở Hưng Yên sẽ bị pháp luật trừng trị vì những tội lỗi mình gây ra trong cơn tức giận mù quáng. Nhưng một xã hội thượng tôn pháp luật, văn minh không chỉ được xây dựng trên cơ sở các quy định của pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, chặt chẽ mà còn được ràng buộc bởi những quy tắc ứng xử, những nền tảng đạo đức cơ bản. Mà không có nó, xã hội sẽ tan rã, gia đình sẽ chẳng còn là mái ấm.

Những hành vi bất hiếu, vô luân thường đạo lý phải bị cả xã hội lên án mạnh mẽ. Và khi những hành vi bạo lực nghiêm trọng với cha mẹ không phải là chuyện hy hữu thì đó đã trở thành vấn đề lớn, cần được các nhà quản lý các cấp xem xét để có những chính sách quản lý xã hội phù hợp.