Không phải bây giờ mỗi lần cải cách giáo dục là một lần gây tranh cãi mà đó là một điều tất yếu, bởi bất cứ khi nào thay đổi cái cũ, xây dựng cái mới đều có những quan điểm khác nhau, nhiều khi trái chiều.

Tranh luận để đi đến thống nhất là việc cần thiết. Sản phẩm cuối cùng tốt nhất là kết quả trí tuệ, tâm huyết của cả một tập thể, thực sự vì sự đổi mới, phát triển giáo dục, vì tương lai con em chúng ta.

Việc xây dựng, soạn thảo và hoàn thiện Chương trình giáo dục là một quy trình bắt đầu từ chủ trương của Đảng, nhà nước, của ngành Giáo dục với sự tham gia của các chuyên gia, các sở giáo dục, các trường sư phạm, đội ngũ thầy cô giáo… Qua nhiều lần biên soạn, phản biện, qua 3 cấp thẩm định, xin ý kiến công luận, sửa chữa, bổ sung mới được chính thức ban hành.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới không thể không qua các bước như vậy. Nhưng tại sao khi thực hiện lại bộc lộ những hạt sạn gây bức xúc dư luận? Ở thời điểm Chương trình được công khai treo lên mạng, đăng tải trên báo chí, sao các nhà chuyên môn, những người quan tâm đến giáo dục không có ý kiến gì? Chả lẽ họ không đọc, không để ý, đến khi ngành giáo dục triển khai thực hiện thì lại “dậy sóng” tranh luận, như việc môn Lịch sử ở bậc THPT trở thành môn tự chọn là một ví dụ ???

Việc xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở thời của Bộ trưởng này nhưng khi thực hiện lại ở thời của Bộ trưởng khác, vậy nếu chương trình có bất ổn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những sai sót ???

Trong hội nghị tổng kết, đánh giá Chương trình Giáo dục phổ thông và sách giáo khoa hiện hành, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh: Chương trình mới phải có tính kế thừa cao, đồng thời, phải tạo ra động lực phát triển mới cho giáo dục phổ thông.

Việc đánh giá Chương trình Giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo cách tiếp cận mới - đánh giá trên quan điểm Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội và Chính Phủ về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chốt lại, chương trình mới dứt khoát phải đạt được mục tiêu: ưu việt hơn chương trình cũ, người học phải tiếp thu được kiến thức, phải phát triển được phẩm chất và năng lực.

Vậy chúng ta đã có cách đánh giá như thế nào về chất lượng của chương trình giáo dục phổ thông mới để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp?

Khi Chương trình Giáo dục phổ thông xếp môn Lịch sử là môn tự chọn ở bậc học THPT, các chuyên gia, các nhà giáo, Quốc hội và cả dư luận xã hội đã lên tiếng quyết liệt. Trước những phản ứng này, ngành Giáo dục đã sẵn sàng tiếp thu và sửa đổi chương trình để đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc.

Còn chủ trương “Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” có phải là chủ trương sai? Các nhóm làm sách, các nhà xuất bản khi thực hiện chủ trương này đã khiến thị trường sách giáo khoa vốn sôi động càng trở nên sôi động dữ dội hơn. Điều đáng nói là, trong thực tế, cuộc cạnh tranh không sòng phẳng, thiếu minh bạch đã diễn ra từ âm thầm đến công khai, trắng trợn đã khiến không ít nhà sản xuất ngậm đắng nuốt cay, sứt đầu mẻ trán, đúng kiểu “người khóc, kẻ cười“.

Các nhà xuất bản đầu tư làm sách rồi thì phải đi tiếp thị sách để giải ngân. Có lợi nhuận ăn chia không khi trao quyền chọn sách cho các nhà trường? Việc trường này chọn bộ sách A, trường kia chọn bộ sách B có ảnh hưởng gì đến kết quả học tập, kiến thức của học sinh hay không khi mà việc biên soạn sách giáo khoa và tổ chức dạy học thế nào để đạt được mục tiêu, yêu cầu ấy là rất khác nhau?

Những ngày qua, dư luận xã hội một lần nữa lại dậy sóng về giá sách giáo khoa tăng phi mã. Nhiều phụ huynh ngậm ngùi chia sẻ: “Với thu nhập hạn hẹp của gia đình, khi cơ chế thị trường đã chi phối mạnh mẽ ngành giáo dục thì có nên có những bộ sách “giá rẻ” cho những học sinh con nhà nghèo hay không ?”

Đổi mới giáo dục là xu thế tất yếu của mọi nền giáo dục ở mọi quốc gia. Việc đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa rất cần sự đồng bộ, phù hợp nếu không muốn rơi vào tình trạng “Môi hở, răng lạnh”!