Dịch bệnh căng thẳng, tâm lý người dân không ai muốn mình là người mắc bệnh, cũng chẳng muốn tiếp xúc với người mắc bệnh, vậy nên, việc tìm mọi cách bảo vệ mình là điều mà ai cũng quan tâm, muốn làm. Thế nhưng quy định trường hợp người dân có smartphone và đến nơi công cộng, nếu không cài đặt ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth thì sẽ bị xử phạt của Bộ Y tế dường như đã không nhận được sự đồng tình của cả người dân và chuyên gia pháp lý.

Dưới góc độ phòng chống dịch bệnh, khi đội ngũ y tế cơ sở và các lực lượng chức năng căng mình truy vết các F1, F2, đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế phải chống chọi với nắng nóng để lấy mẫu xét nghiệm, để chữa trị cho bệnh nhân Covid 19, việc áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chống dịch Covid - 19 là cần thiết. Cá nhân tôi, dưới góc độ người dân, cùng đồng tình cài ứng dụng bluezone, sử dụng tờ khai y tế, quét mã QR.

Việc trình điện thoại để cơ quan chức năng kiểm tra có cài đặt ứng dụng Bluezone cũng có thể giống như chúng ta trình giấy phép lái xe, đăng ký xe khi lưu thông trên đường. Thế nhưng, thực tế cho thấy, không phải người dân nào cũng sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt là với người có tuổi, người có thu nhập thấp. Rồi với sự phát triển của công nghệ hiện nay, điện thoại thông minh còn tích hợp nhiều chức năng, lưu giữ nhiều thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người dùng. Việc đưa điện thoại ra cho người khác kiểm tra, dù là cơ quan chức năng đi chăng nữa cũng là điều mà nhiều người băn khoăn. Chắc chúng ta cũng chưa quên vụ việc hot girl A.T sau khi bị triệu tập về công an phường Trung Hòa, thành phố Hà Nội, giao nộp điện thoại và mật khẩu đã bị phát tán clip riêng tư lên mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống cá nhân của người trong clip.

Về góc độ pháp lý, việc đề nghị xử phạt người dùng smartphone không cài ứng dụng Bluezone cũng “chưa hoàn toàn phù hợp” với các quy định của pháp luật hành chính. Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật cụ thể nào có quy định trực tiếp về xử phạt hành vi không cài đặt ứng dụng Bluezone, tờ khai y tế hay quét mã QR trong khai báo y tế. Nếu áp dụng thì chỉ có thể áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 của Chính phủ, xử phạt cá nhân từ 01 đến 03 triệu đồng đối với hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Tuy nội dung "hướng dẫn của cơ quan y tế" cũng đã trao quyền cho cơ quan y tế quy định các "biện pháp bảo vệ cá nhân" thế nhưng để áp dụng được cũng cần phải làm rõ khái niệm "biện pháp bảo vệ cá nhân" có bao gồm không cài ứng dụng không? Nếu có quy định thì mới có thể xử phạt theo Nghị định 117/2020. Bên cạnh đó, điều 21 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Như vậy thì trình tự, thủ tục kiểm tra, rồi thẩm quyền kiểm tra người sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt Bluezone hay không sẽ phải thực hiện ra sao? Quy định này có tạo ra sự bất bình đẳng, phân biệt giữa người có và người không có điện thoại thông mình hay không? Một cá nhân đang di chuyển, đang sinh hoạt, làm việc hợp pháp, không có hành vi vi phạm pháp luật thì làm sao biết người ta có điện thoại thông minh hay không để kiểm tra?

Với hành lang pháp lý như vậy, có thể thấy ngay, nếu xử phạt nhanh, xử phạt vội hành vi không cài đặt ứng dụng bluzone trên điện thoại thông minh rất dễ dẫn đến việc người dân không tâm phục, khẩu phục. Mà khi người dân đã không tâm phục, khẩu phục, không ủng hộ, không đồng tình thì liệu việc phòng chống dịch bệnh của chúng ta có thu được hiệu quả như mong muốn? Một quy định được ban hành dù có hợp tình thì cũng cần phải đảm bảo đầy đủ tính pháp lý và tính khả thi.

Ở góc độ cá nhân, theo tôi, để đảm bảo an toàn cho bản thân, việc cài đặt ứng dụng Bluezone là việc nên làm, đó cũng là cách để thể hiện trách nhiệm công dân. Việc nên làm chứ không thể bắt buộc vì liên quan đến quyền tự do và bí mật cá nhân. Nhưng chắc chúng ta cũng không từ chối thực hiện biện pháp giúp mình cảm thấy yên tâm hơn trước sự tấn công của virus Sars-CoV-2?