Một con số thống kê cho thấy, hiện khu vực nội đô của Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa, chiếm khoảng 2% tổng quỹ đất, trong khi dân số thủ đô là hơn 8,5 triệu người. Như vậy có nghĩa là hơn 130.000 người mới có một công viên, vườn hoa. Một tỷ lệ thấp đến mức khó tin!

Vậy mà, oái ăm thay, công viên dù thiếu nhưng lại…vẫn thừa. Bao năm qua, nhiều công viên lớn như Thống nhất nằm giữa lòng Thủ đô nhưng ngày thường luôn vắng hoe…Rồi công viên Cầu Giấy, Hòa Bình, Nghĩa Đô cũng chung tình cảnh. Giá trị của những không gian công cộng này chưa được khai thác đúng mức chính bởi những hàng rào chắn khắp nơi, những bất cập về thu phí cùng nỗi ám ảnh về tệ nạn xã hội…. Tất cả điều này góp phần hạn chế người dân tiếp cận công viên, dù rất muốn.

Nghịch lý được nhìn thấy nên việc Hà Nội có kế hoạch sẽ cải tạo một số công viên lớn theo hướng mở, phá tường rào, dừng thu vé vào cổng đã được ví như là cuộc mở lối tư duy. Như một kiến trúc sư nổi tiếng đã nói rằng: “Ngày nay chúng ta đã sang kỷ nguyên mới, thời kỳ công nghệ số, Việt Nam là một nước đang phát triển, đời sống nhân dân khá lên, nên việc tháo bỏ những hàng rào cũ kỹ như phá bỏ tư duy cũ”.

Hẳn nhiên, phá bỏ một tư duy cũ là việc không dễ và sẽ vướng nhiều thứ, thậm chí, còn mất cả một nguồn lợi không nhỏ nhưng cái được sẽ lớn hơn. Bởi chắc chắn, đây là một trong những thay đổi mà người dân Thủ đô mong đợi và ủng hộ nhất suốt nhiều năm qua, giúp không gian công cộng trở nên thân thiện, dễ tiếp cận, bình đẳng trong thụ hưởng với tất cả mọi người.

Tất nhiên, bên cạnh số đông ủng hộ cũng còn những ý kiến lo ngại về việc phá bỏ hàng rào có thể dẫn tới mất an ninh và vệ sinh môi trường. Những lo lắng này dẫu không thừa … nhưng có lẽ cũng không vì thế mà phải sinh ra những hàng rào, cổng chắn chỉ để đảm bảo an ninh cho công viên.

Công viên theo hướng mở là xu hướng chung của thế giới, các nước văn minh đã làm và quản lý tốt thì Việt Nam không có lẽ nào lại không làm được. Và thực tế không phải học đâu xa, thành phố Hồ Chí Minh đang làm rất tốt vấn đề này.

Năm 2003, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương xóa hàng rào công viên, bỏ thu phí. Ban đầu chủ trương này bị nhiều ý kiến phản đối từ phía các đơn vị chủ quản, lý do duy nhất là việc thu tiền từ bán vé và kinh doanh một số hoạt động dịch vụ là một nguồn thu không nhỏ của các đơn vị này. Tuy nhiên, do nhiều người dân đồng tình với chủ trương của UBND thành phố Hồ Chí Minh nên việc xóa bỏ hàng rào đã được thực hiện. Nhờ đó đến nay, những không gian công công này trở thành các điểm đến hấp dẫn, người dân có thể tự do ra vào, tận hưởng không gian xanh của công viên. Ý nghĩa hơn là nó mang bản sắc của một đô thị lớn, hiện đại văn minh, tránh được tình trạng lãng phí không gian công cộng.

Dĩ nhiên, để làm được như thành phố Hồ Chí Minh và có được những công viên "mở" theo đúng nghĩa thì ngoài việc phải cải tạo chỉnh trang, nâng cấp để công viên đáp ứng được yêu cầu xanh - sạch - đẹp, cần phải tăng cường công tác bảo vệ, nâng cao ý thức, xây dựng môi trường công viên thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh, gắn kết cộng đồng. Hay nói cách khác, một công viên mở sẽ phải đảm bảo ở nhiều khía cạnh, từ cơ chế quản lý, vận hành công viên cho đến ý thức người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định và đặt quyết tâm, thành phố sẽ tìm mô hình đầu tư để công viên không còn hàng rào, không bán vé và người dân được thụ hưởng. Năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội.

Bởi vậy, một công viên mở…không hàng rào, không thu phí, xóa bỏ sự cô lập không gian công cộng là cần thiết và đó cũng là cách để các công viên Hà Nội thực sự hồi sinh.