Cách đây vài năm, một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng phần lớn các nạn nhân bị hãm hiếp, quấy rối, tấn công tình dục ở Thái Lan và Việt Nam đều phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tiếp cận công lý, một phần là do thái độ và hành vi phân biệt đối xử. Những khó khăn và thách thức này khiến các nạn nhân cảm thấy nản lòng, không được tiếp cận pháp lý và không được hỗ trợ ở mọi giai đoạn của quá trình xét xử, từ khâu trình báo ban đầu cho đến phiên tòa xét xử.

Xét về góc độ pháp lý, Bộ luật Lao động đã có giải thích rõ hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Nghị định 12 năm 2022 cũng có quy định phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể. Chỉ khi chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác, hoặc nếu chứng minh được đó là hành vi khiêu dâm, dâm ô hay nặng hơn là cưỡng dâm, hiếp dâm thì kẻ thực hiện hành vi mới có thể bị xử lý về những tội đó.

Trong khi đó, thực tế, quấy rối, tấn công tình dục rất đa dạng với những hành vi ít bị để ý, khó bị phát hiện, khó phân biệt và thống kê. Ngay nạn nhân nhiều khi cũng không ý thức hết vấn đề. Còn cơ quan chức năng thì thường chỉ quan tâm và vào cuộc khi có dấu hiệu tội phạm rõ ràng, có tính nguy hiểm cao như cưỡng dâm, hiếp dâm.

Bộ luật Hình sự quy định tội cưỡng dâm, án phạt tù cao nhất là 18 năm và tội hiếp dâm có thể bị tử hình nhưng thực tế thì rất ít kẻ phạm tội phải nhận án ở mức tối đa cho hành vi của mình. Mức xử phạt hành chính với hành vi quấy rối tình dục ở nước ta hiện nay được đánh giá là chưa đủ sức răn đe.

Nhưng vấn đề quan trọng ở đây có lẽ không phải là chế tài nặng hay nhẹ mà là ở chỗ thực hiện các quy định này như thế nào? Bởi quấy rối tình dục thường khó bị phát hiện, khó chứng minh. Và nạn nhân, vì nhiều lý do, thường ngại tố cáo những hành vi này.

Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cũng đã chỉ ra rằng, những nạn nhân bị hãm hiếp, quấy rối, tấn công tình dục phải đối mặt với nhiều rào cản lớn về định kiến và khuôn mẫu đối với chính nạn nhân và kẻ được cho là thủ phạm, rằng họ phải hành xử như thế nào. Đó chưa kể đến những rào cản trong việc giải quyết khiếu nại không chính thức, trong cách ứng xử thiếu sự đồng cảm với nạn nhân của cộng đồng. Trong khi đó thủ tục tố tụng thường kéo dài, không nhạy cảm với những trải nghiệm, chấn thương tâm lý mà nạn nhân của quấy rối, tấn công tình dục phải chịu đựng.

Thế nhưng, chúng ta hãy hình dung, đến một ngày nào đó, nạn nhân có thể là chính chúng ta, con cái, người thân của chúng ta. Vì vậy, bên cạnh nâng cao chế tài xử lý, cũng cần cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về quấy rối, tấn công tình dục. Cũng cần tăng cường chiếu sáng, lắp camera giám sát ở nơi làm việc và sinh hoạt công cộng. Lực lượng chức năng cũng cần phải lập danh sách để theo dõi những người từng có hành vi quấy rối tình dục, thậm chí công khai danh tính những người này.

Nhưng trên hết, bản thân các nạn nhân, hãy mạnh dạn vượt qua các rào cản, lên tiếng tố cáo kẻ có hành vi quấy rối để hạn chế tối đa những tổn thương cả về sức khỏe thể chất và tâm thần.