Những “đứa trẻ” thuộc thế hệ 7X hay 8X đời đầu như tôi chắc hẳn ít nhiều đã trải qua những trận đòn roi của bố mẹ, thầy cô. Tôi nhớ, hồi học lớp 3, bị cô giáo gọi lên bảng, đang còn ấp a, ấp úng thì nhận ngay một cú tát “trời giáng” của cô kèm theo một câu: “Ngu hơn bò, chỉ việc nhai lại thôi cũng không làm được”.

Nhận cú tát hằn nguyên bàn tay trắng xóa bụi phấn của cô trên mặt, về chỗ, tôi còn nghe bạn bè xung quanh cười rúc rích khoái chí, thậm chí còn tò mò hỏi nhau “thằng nào sẽ bị ăn tát tiếp?”

Lần khác, cũng vì không thuộc bài, thầy giáo bắt úp bàn tay trên bàn và dùng thước kẻ vụt mạnh vào mu bàn tay khiến tôi hoa mắt, chóng mặt. Thầy giáo cũng rất biết cách để khi “vụt” thì nghiêng sang phần cạnh của thước kẻ, rất đau và đám học sinh chúng tôi vô cùng sợ chiếc thước kẻ “thần sầu” ấy của thầy.

Một lần, chắc vì bị thầy “vụt” quá tay mà đứa bạn tôi đau quá không chịu được đã "bật" lại, tuyên bố bỏ học, nhảy cửa sổ chạy về nhà. Nó đã nghỉ học từ đấy. Hồi đó mới là lớp 4 hoặc lớp 5.

Sang cấp 2, tôi nhớ, có lần tại buổi lễ chào cờ vào thứ hai, 4 đứa học sinh của trường bị gọi lên đứng trước toàn trường vì tội dám lấy dao chẻ vào ngọn cây bàng non. Thầy Phó Hiệu trưởng cầm con dao lên và nói to trong micro: “Giờ tôi cầm con dao này chẻ vào đầu các anh, các chị được không?”, đám học sinh chúng tôi ngồi ở dưới “không dám thở”!

Những học sinh bị đứng trước cờ ấy dĩ nhiên phải chịu hình phạt nặng, làm vệ sinh sân trường một tuần, cọ rửa nhà vệ sinh, gánh nước từ dưới ao về trường…!

Bị đánh, bị mắng nhưng cấm đứa nào về nhà dám ho he với bố mẹ một câu. Bởi nếu biết, chắc chắn sẽ bị nhận trận đòn thứ hai vì “Chúng mày đáng bị như thế!”. Mẹ tôi mỗi lần gặp thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm thường không quên nhắn nhủ một câu: “Nó hư, không học bài, thầy, cô cứ đánh sưng mông giúp em!”.

Những “đứa trẻ” thuộc thế hệ 7X hay 8X có bao giờ dám mặc cả với bố mẹ, thầy cô. Đến giờ cơm mà không biết đường về thì cứ chịu đói; Đi chơi quên giờ về nhà thì cứ xác định về nhà ôm cột chịu đòn…

Mấy mươi năm qua đi, mỗi khi họp lớp, chúng tôi vẫn hay nhắc lại những kỷ niệm cũ mà chẳng có chút mảy may giận thầy, giận cô. Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, chúng tôi vẫn tới thầy cô những bó hoa, món quà nhỏ tri ân. Nhiều đứa còn xúc động nói, vì những trận đòn của thầy cô mà em đã trưởng thành, nên người!

Vâng, chúng tôi là lứa trưởng thành trong môi trường giáo dục “trừng phạt”, “đòn roi” ấy. Nhưng có lẽ, dù hiểu bản chất sự việc nhưng đa phần chúng tôi không muốn con cái mình trải qua cách giáo dục hà khắc như thế.

Thế hệ con trẻ hiện nay đã khác xa, môi trường giáo dục, phương pháp giáo dục cũng khác rất nhiều. Mỗi gia đình đều chỉ 1-2 con và điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn nhiều lần so với thế hệ cha mẹ chúng cách đây 20-30 năm.

Gần đây nổ ra cuộc tranh cãi xung quanh quan điểm của một chuyên gia tâm lý có tiếng ở Hà Nội đưa ra. Đó là: “Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ?” với không ít băn khoăn, lo lắng: “Tư cách đạo đức, kỹ năng và kiến thức của trẻ sẽ ra sao với kiểu giáo dục "KHÔNG PHẠT"?

Dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, người ủng hộ, người phản đối. Hiệu trưởng của một trường phổ thông ở Hà Nội cho rằng: giáo dục hiện nay không có khái niệm “TRỪNG PHẠT”. Nhưng ông cũng không hiểu khái niệm “KHUYÊN NHỦ” ở đây có nghĩa như thế nào? Việc sắp đặt hai thái cực đối lập khác nhau, trắng-đen như vậy, theo ông, là một điều khiên cưỡng.

“TRỪNG PHẠT” nghiêm khắc sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần con trẻ. Nhưng nếu lấy “KHUYÊN NHỦ” và nhượng bộ trước học sinh, con cái thì quả đúng là sẽ khiến trẻ nảy sinh suy nghĩ, cảm giác ảo tưởng, cho rằng không ai có quyền phạt mình, và do đó, khó phân biệt được đúng - sai.

Thực tế hơn 10 năm qua, nhiều trường học, giáo viên và cha mẹ học sinh theo đuổi phương pháp kỷ luật tích cực, lấy học sinh làm trung tâm và hướng tới một trường học hạnh phúc, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Nói như PGS.TS Trần Thành Nam, bản chất của “Kỷ luật tích cực” không hẳn là áp dụng những “Hình phạt tích cực” mà cần hiểu nó như là việc không cần dùng hình phạt nhưng cuộc sống của trẻ vẫn trở nên kỷ luật trong một bầu không khí tích cực.

Điều quan trọng cần nhìn nhận đúng, đó là giáo dục học sinh là tổng hòa các phương pháp giáo dục khác nhau. Chúng ta không thể đưa ra một quy chuẩn giáo dục cụ thể nào cho từng học sinh bởi mỗi em là một bản thể với cá tính khác nhau mà bố mẹ, thầy cô phải thực sự thấu hiểu, cùng đồng hành, từ đó có phương pháp dạy dỗ thích hợp.

Bởi trừng phạt mà không giúp học sinh nhận ra sai lầm, “khuyên nhủ” mà khiến con trẻ nhu nhược, ích kỷ, thì đó đâu phải đã là cách đúng.